(kontumtv.vn) – Trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ bảy, từ ngày 2/6 đến ngày 07/6, tại các phiên làm việc tại hội trường và ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã xem xét, thảo luận và có 21 ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và một số dự án sẽ thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp.

Tại phiên thảo luận tại hội trường đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã có các ý kiến tham gia về: Đề nghị  tiếp tục rà soát sửa đổi bổ sung các điều, khoản liên quan khác trong tổng thể dự án luật nhằm đảm bảo tính khả thi, thống nhất. Đồng thời, đề nghị lấy tên luật là Luật Giáo dục nghề nghiệp để phù hợp với phạm vi quy mô, không nên xem hoạt động đào tạo nghề  như một hoạt động phổ cập, nhằm đảm bảo tính “nghệ tinh”, hiệu quả; Không đưa chỉ tiêu phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp nghề vào năm 2020 vào trong luật, mà tập trung nghiên cứu thể chế hóa chủ trương này bằng các quy định pháp lý; Dự thảo luật mới chỉ đề cập cơ chế tuyển thẳng đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi mà chưa có chính sách thu hút người giỏi vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung chính sách tuyển thẳng đối người học giỏi vào lĩnh vực này như học sinh giỏi các bộ môn có liên quan, hay học sinh giỏi các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật được vào học các trường nghề. Đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng tuyển thẳng là học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường bán trú trung học cơ sở, và đây là hệ thống trường chuyên biệt đóng chân trên địa bàn có kinh tế đặc biệt khó khăn, đây là địa bàn có tỷ lệ học nghề thấp nhất trong khu vực; Đối với nội dung quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Thực tế, việc song song hai mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề trên cùng một địa bàn huyện gây lãng phí nguồn lực đầu tư…

Tại phiên thảo luận tổ đối với Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã có các ý kiến tham gia: Cơ bản tán thành với các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 35 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung; Bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là “Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không phải là thành viên của Ủy ban nhân dân”; Thời hạn lấy phiếu tín nhiệm là 02 lần/nhiệm kỳ; Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ; Mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm đề nghị 02 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”; Đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang thủ tục xem xét miễn nhiệm, không cần tổ chức bỏ phiếu “tín nhiệm”.

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Kon Tum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *