(kontumtv.vn) – Chiều 20/1, tại huyện Đăk Hà, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị sơ  kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đánh giá công tác đào tào nghề năm 2014. Tham dự có lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Đơn chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Hội nghị đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Được sự quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Từ Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 11.200 người được đào tạo nghề trong giai đoạn 2010-2014. Trong đó, có 733 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm gần 9%. Gần 7.500 người tự tạo việc làm chiếm tỉ lệ hơn 91%. Riêng năm 2014, có trên 1.700 lao động nông thôn được đào tạo nghề và có 68 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng, trên 1.000 người tự tìm việc làm. Một số nghề sau đào tạo đã phát huy tốt trong thực tiễn như: Nghề cạo mủ cao su; trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê; trồng cây lương thực, thực phẩm; nghề nề hoàn thiện, nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp.

Về đội ngũ và cơ sở đào tạo nghề, toàn tỉnh có 86 giáo viên và 54 người tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có 1 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề tại 9 huyện, thành phố. Phần lớn các cơ sở đào tạo nghề đã được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo tại trung tâm và tại cơ sở.

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng trong thời gian qua công tác đào tạo nghề vẫn còn những hạn chế như: Một số chính sách về đào tạo nghề chưa phù hợp với thực tế, thời gian đào tạo nghề ngắn, kinh phí hỗ trợ thấp, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn chưa cao, đội ngũ giáo viên còn thiếu kinh nghiệm, nhu cầu tuyển dụng lao động sau đào tạo nghề thấp và giải quyết đầu ra cho các sản phẩm còn hạn chế…

Giai đoạn 2015-2020, hội nghị đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề trên 16.500 người, phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% lao động nông thôn được đào tạo nghề. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, kiện toàn các trung tâm dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Đơn ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đại biểu, cam kết tỉnh sẽ nghiên cứu giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan chức năng Trung ương giải quyết.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo nghề quan tâm chú trọng hơn để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã khen thưởng 3 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề giai đoạn 2010-2014.

                                                                                      Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *