(kontumtv.vn) – Lồng ghép, hay nói cách khác là gắn kết các chính sách, chương trình  có cùng mục tiêu thực hiện công tác giảm nghèo được trọng tâm, trọng điểm và cùng thời điểm là giải pháp quan trọng để giúp cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây là nhận định của đa số các đại biểu  thảo luận tại Hội thảo lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Hội thảo được Ban quản lý Dự án  hỗ trợ giảm nghèo PRPP tỉnh tổ chức vào ngày 25/6.

Hội thảo
Hội thảo về lồng ghép các chính sách hỗ trợ người nghèo

Qua thảo luận, các đại biểu nhìn nhận, trong những năm qua, cùng với các hợp phần khác,  hợp phần hỗ trợ sản xuất luôn được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, trong qúa trình  thực hiện, các chính sách hỗ trợ sản xuất vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu sự lồng ghép, thiếu sự triển khai thực hiện và thời điểm hỗ trợ chưa phù hợp, một số chính sách có cùng mục tiêu nhưng nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Ý kiến Ông A Mịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô: “Trong cơ chế hỗ trợ cho người nghèo hiện nay, các chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ quá, không đủ điều kiện để người nghèo thoát nghèo. Vừa qua chúng tôi đã có  ý kiến và có cuộc họp ở các ngành, đề nghị các cơ quan chức năng nên đề xuất, kiến nghị với Trung ương mức hỗ trợ một là tập trung, hai là mức hỗ trợ cao hơn như đề xuất của địa phương”.

Các đại biểu cũng có ý kiến, thời gian qua, các nguồn vốn thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất ở 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, các xã thuộc 2 huyện 30a còn khó khăn về cơ chế tài chính và cách làm còn chưa nhất quán. Một số lãnh đạo UBND các xã chưa nắm được nguồn vốn triển khai ở địa phương nên việc lồng ghép, gắn kết các chương trình hỗ trợ sản xuất còn nhiều bất cập và hiệu quả chưa cao. Để khắc phục những tồn tại này, các đại biểu đề nghị Ban quản lý Dự án  hỗ trợ giảm nghèo PRPP nên đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương gắn kết, lồng ghép các chính sách, chương trình có cùng mục tiêu hỗ trợ sản xuất, việc lồng nghép phải mang tính lôgic, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Giám đốc Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP kết luận: “Qua hội thảo lần này, chúng tôi cùng với chính quyền các cấp cũng muốn nói lên tiếng nói để làm sao chúng ta gắn kết các nguồn vốn hỗ trợ hợp phần sản xuất cho người nghèo được tốt hơn. Đặc biệt là gắn kết cách làm, gắn kết đối tượng, gắn kết thời điểm, gắn kết  nội dung mà chúng ta thực hiện cùng mục tiêu để cho người nghèo được thụ hưởng chính sách được tốt hơn”.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, nên giao vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất về cho UBND các xã  triển khai thực hiện. Có như vậy, địa phương mới linh động hơn trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp và việc đầu tư sẽ có trọng tâm, trọng điểm hơn.

                                                                    Thanh Tùng – Công Luận 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *