(kontumtv.vn) – Như thông tin chúng tôi đã phản ánh, từ ngày 14-24/5/2014, đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đã đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Phóng viên Văn Hiển, Đài Phát thanh – Truyền  hình tỉnh Kon Tum  tham gia đoàn và phản ánh các hoạt động của đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum trong suốt hành trình.

Cùng với 15 thành viên của đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum, trong chuyến công tác số 12 ra thăm, kiểm tra đảo Trường Sa và nhà Giàn DK1 do bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức còn có đoàn đại biểu các gia làng tiêu biểu tỉnh Kon Tum gồm 11 thành viên do ông Kring Ba- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Với các già làng, đây là chuyến hành trình vô cùng ý nghĩa nhưng cũng đầy lạ lẫm. Ý nghĩa vì được vinh dự đại diện cho đồng bào Tây nguyên và Kon Tum ra thăm đảo Trường Sa, lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên vượt hàng trăm km để đến thành phố Hồ Chí Minh rồi vượt hàng ngàn km trên biển để khám phá biển đảo của Tổ quốc. Có thành viên không quen đi xe và bị say sóng nên suốt mấy ngày liền bị chóng mặt, phải nằm liệt trên giường. Nhưng với tấm lòng hướng về Trường Sa thân yêu, những người con Tây nguyên đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, mong muốn được sớm đặt chân đến Trường Sa để mang tình cảm của người dân Kon Tum đến các chiến sĩ nơi biển đảo. Già Làng A Ja, làng Plei Đôn, thành phố Kon Tum chia sẻ: “Mình dân tộc Sê Đăng – Sơ Đrá. Đây là lần đầu tiên mình ra đảo, thấy trên bản đồ có vẻ gần quá nhưng mình đi thấy xa ghê. Mình mong muốn sao nhanh tới Trường Sa, mình chưa thấy Trường Sa bao giờ”.

Trường Sa
Trường Sa

Sau bao mong đợi, sáng sớm 17/5, đảo Trường Sa, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác số 12 đã dần hiện ra như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa trời biển bao la, hùng vĩ. Đây là điểm đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, với diện tích chừng 0,15km2, là một trong 3 đảo có người dân sinh sống và là trung tâm của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thật xúc động và tự hào khi những người con của núi rừng Kon Tum và các thành viên trong đoàn được gặp gỡ, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và người dân của Đảo Trường Sa anh hùng.

Đến thăm huyện đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến đời sống của cán bộ, nhân dân trên huyện đảo, thấy được sự thiêng liêng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam hiện hữu rõ nét qua những công trình dân sinh như trường học, trạm y tế, khu dân cư, chùa Trường Sa và đặc biệt là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ở đây ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc cột mốc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, được thắp nén hương để tri ân những liệt sĩ đã nằm xuống để bảo vệ biển đảo khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi, từng thành viên trong đoàn công tác ai cũng cảm nhận việc được tham gia chuyến đi thăm đảo là niềm vinh hạnh, đầy tự hào. Tâm nguyện phải làm được điều gì đó cho Trường Sa luôn thôi thúc từng thành viên trong đoàn. Ông Ka Ba Tơ, nguyên Phó Bí thư  Tỉnh ủy Kon Tum xúc động: “Lần đầu tiên ra đến cột mốc phía đông của Tổ quốc tôi thấy rất phấn khởi và tự hào. Mong muốn góp phần tuyên truyền, phổ biến cho mọi người, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tuổi trẻ các dân tộc trong cả nước hiểu rõ được biển đảo Trường Sa, đồng bào ta cùng quân dân ở đảo Trường Sa góp phần giữ vững chủ quyền, chống mọi âm mưu, thủ đoạn và lấn chiếm của kẻ địch”.

Cũng như bao công dân khác của Việt Nam, già làng A Sứ (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) hiểu rằng mỗi tất đất, từng viên san hô trên quần đảo Trường Sa đều thấm đẫm mồ hôi và cả máu của quân và dân ở đây. Vì vậy, khi đến thăm mỗi đảo, già làng A Sứ đều xin được giữ một viên san hô để làm kỉ vật cho chuyến đi của mình. “Lần đầu tiên thăm đảo, mình muốn nhặt san hô để về nhà làm kỉ niệm ngày mình đi thăm đảo Trường Sa”. Gìa làng A Sứ nói.

Không phụ lòng quân và dân cả nước nói chung và cán bộ, nhân dân tỉnh Kon Tum nói riêng, cán bộ chiến sĩ tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều bày tỏ quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh để giữ vẹn toàn biển đảo của Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sĩ báo cáo với đoàn công tác về những thành tích, chiến công  đạt được trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong rèn luyện ý chí, nghị lực và đoàn kết xây dựng đảo vững mạnh toàn diện. Với những chiến sĩ trẻ ở đảo Trường Sa, lần đầu tiên đươc gặp những  người con của núi rừng Tây Nguyên ngay tại nơi đảo xa là sự cỗ vũ, động viên to lớn. Vì vậy, họ đều bày tỏ quyết tâm cao trong việc vượt qua khó khăn, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. “Tôi xin gửi tới các đồng chí và đồng bào trong đất liền hãy tin tưởng chúng tôi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi sẽ đem hết tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của tuổi trẻ đẻ giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc nơi đầu sóng ngọn gió”. Trung úy Bùi Đức Hoan, Phân đội Trưởng đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146 xúc động nói với đoàn lúc chia tay.

Để đến được với quần đảo Trường Sa, những thành viên cao tuổi của đoàn tỉnh Kon Tum như các ông Ka Ba Tơ, Nguyễn Thanh Cao, bà Y Xuôi, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn không ngại khó khăn, hiểm nguy có mặt tại tất cả các điểm đảo, kể cả điểm xa nhất là đảo Tiên Nữ, và nơi nguy hiểm nhất là nhà Giàn DK1. Cũng chính tấm lòng hướng về Trường Sa thân yêu đã giúp đoàn công tác tỉnh Kon Tum hoàn thành được mục tiêu đặt ra, đó là mang tấm lòng và sức mạnh của người dân Tây Nguyên đến với cán bộ, chiến sĩ biển đảo Trường Sa và mang tinh thần anh dũng kiên trung của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa về với đồng bào, các dân tộc tỉnh Kon Tum.

                                                                                      Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *