(kontumtv.vn) – Là địa phương có địa hình phức tạp, đồi núi dốc, dân cư sống chủ yếu ở sườn đồi và ven sông suối,  lại có đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung, do đó công tác phòng chống bão lũ ở huyện Đăk Glei được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ các cơn bão lũ, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei thường xuyên kết hợp với các phòng chuyên môn kiểm tra, đánh giá hiện trạng cầu treo dân sinh, các điểm xung yếu để có phương án và biện pháp ứng phó khi có mưa bão xảy ra. Ông A Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét cho biết: “ Xã có 4 điểm có nguy cơ sạt lở cao, Ban Chỉ đạo của xã đã đưa vào phương án để chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, cụ thể là áo phao, rọ thép, đá hộc. Trường hợp có xảy ra sạt lở sẽ kịp thời ứng phó, tu sửa ngay để hạn chế thấp nhất thiệt hại về đất đai, hoa màu, tính mạng, tài sản của người dân”.

Kiểm tra các công trình giao thông trước mùa mưa lũ
Kiểm tra các công trình giao thông trong mùa mưa lũ

Hạt Quản lý đường bộ huyện Đăk Glei quản lý hơn 60 km đường Hồ Chí Minh, do nhiều đoạn đèo dốc nên đường thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mưa bão đến. Xác định tầm quan trọng trong việc đảm bảo giao thông, đơn vị đã thường xuyên tu sửa, gia cố các điểm có nguy cơ ảnh hưởng gây mất an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện xây dựng các phương án để kịp thời giải phóng các đoạn đường sạt lở đất gây ách tắc giao thông trong thời gian mưa bão. Ông Võ Tấn Tá, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ Đăk Glei nói: “Để ứng phó bão lũ xảy ra, Hạt đã triển khai dự phòng 2.500 rọ thép bọc nhựa, 1.250 khối đá hộc tập kết trên tất cả các tuyến, vị trí xung yếu, 3 ô tô tải 14 tấn và nhân lực thì 14 người tại chỗ, nếu thiếu thì các đơn vị khác trực thuộc công ty sẽ hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo các cơ quan quân sự huyện, đồn Biên phòng đứng chân trên các địa bàn xã, Công an huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng, Huyện Đoàn và các phòng liên quan chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị như xe ô tô tải, nhà bạt, phao cứu hộ để kịp thời sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi có diễn biến xấu xảy ra.

Chính quyền các địa phương cũng đã vận động nhân dân không bán số lúa gạo trong vụ đông xuân vừa kết thúc để dự trữ lương thực ít nhất được 15 ngày, đề phòng  khi có mưa bão xảy ra, nhất là khi bị ách tắc giao thông, bị cô lập lo mưa bão. Tuy nhiên để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bão lũ, ngoài sự chuẩn bị 4 tại chỗ, thì công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức là rất quan trọng.

                                                                             Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *