(kontumtv.vn) – Ở huyện Đăk Hà, hàng năm vào mùa thu hái cà phê nhu cầu lao động tăng cao, do vậy lực lượng lao động từ các địa phương khác về đây rất đông. Thực trạng này, có lúc ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh tại địa bàn. Vì vậy, trong mấy năm trở lại đây, huyện Đăk Hà đã thực hiện chủ trương chuyển dịch, điều tiết lao động giữa các xã, thị trấn trong mùa thu hái cà phê, vừa tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vừa góp phần đảm bảo an ninh trên địa bàn.

lddh

Sử dụng lao động tại chỗ đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.

Đã 10 năm nay, cứ đến vụ thu hái cà phê, bà Hương – mẹ của chị Trần Thị Hoài Thương ở thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà không phải lo toan việc tìm kiếm người thu hái cà phê như nhiều gia đình khác. Chỉ cần liên hệ trước vài ngày, anh A Thoan ở thôn 9, xã Đăk La sẽ tập trung từ 10-15 lao động của thôn đến đây thu hái cà phê. Anh A Thoan, Thôn 9, xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết, cứ đến mùa cà là lên hái cho chị, từ lâu rồi, 10 năm rồi. Thu hoạch lúa xong thì lên hái cho chị Hương để kiếm coi như là mua mắm, mua gì, này kia, để sắm cho mấy đứa con cái quần áo. Sáng lên, rồi chiều về, cơm trưa trong nhà chị Hương nuôi cho.  Chị Trần Thị Hoài Thương – thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết thêm: Nhà tôi thì nhân công cũng không có nhiều, chính vì như thế mà nhà tôi cũng phải mượn một số người dưới thôn 9, thôn 10 xã Đăk La đến để thu hoạch. Ở đây người ta thuê như thế nào thì gia đình tôi cũng thực hiện thuê như thế, cũng tạo mọi điều kiện để cho họ hái sao cho thu hoạch đảm bảo cành để cho vụ mùa năm sau được tốt hơn.

Ở xã Hà Mòn, nhiều năm nay việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín trên 95% theo chủ trương của huyện luôn được bà con tự giác thực hiện tốt. Bởi vì bà con đều nhận thấy việc thu hái quả chín tăng lợi nhuận hơn hái quả xanh, và còn rất yên tâm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mùa thu hoạch, không xảy ra tình trạng mất cắp, hái trộm cà phê trong lô, rẫy như trước đây. Để có được kết quả này, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó phải kể đến kinh nghiệm điều tiết, phối hợp với các địa phương giáp ranh sử dụng nguồn lao động tại để thu hái cà phê. Cụ thể như niên vụ cà phê 2013 này, xã Hà Mòn đã tạo điều kiện cho 1.100 lao động của các xã Đăk La, Ngọc Réo và Ngọc Wang đến thu hái cà phê. Ông Nguyễn Thái Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện về thu hút lao động các xã lân cận thì trong mùa này UBND xã đã chủ động các xã ký kết hợp đồng. Thực hiện công tác vận động bà con trong khu dân cư, tạo điều kiện cho bà con trong xã Đăk La, Ngọc Réo, Ngọc Wang thu hái cà phê cho bà con trong địa bàn.

Việc thực hiện điều tiết lao động tại địa phương đã được một số công ty, nông trường cà phê trên địa bàn triển khai có hiệu quả. Mặc dù không thực hiện ký kết hợp đồng lao động với chính quyền các địa phương nhưng ban lãnh đạo công ty đã quán triệt tới từng hộ nhận khoán vào mùa vụ thu hái cà phê ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ.  Lúc đầu còn xa lạ, bỡ ngỡ, nhưng qua nhiều năm thu hái cà phê, giữa người trồng cà phê và người lao động địa phương có mối quan hệ gần gũi, đến vụ là liên hệ nhau để thu hái cà phê. Năm nay, công hái cà phê khoán trung bình từ 65-70 nghìn đồng/tạ, mỗi ngày một người lao động làm giỏi có thể thu nhập được 200-300 nghìn đồng. Anh Hoàng Văn Cương ở Thôn 9, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cho biết: Gia đình của bên chủ lô ngoài đây là cứ thường xuyên hàng năm là liên lạc theo đường điện thoại là đến mà hái cà. Bà con cũng đi kiếm tiền thêm trong thời gian có công việc là hái cà đây. Ông Đặng Hồng Khanh – Công nhân Công ty TNHH MTV cà phê 704 cho biết thêm: Nói chung là theo chủ trương của huyện, cũng như là của công ty thì chúng tôi như thế là theo gia đình cũng có kế hoạch là đi tìm và làm việc với tất cả những cơ sở bà con vùng lân cận để nhờ bà con thu hái cho nó kịp thời vụ và cho nó đúng theo tiến độ và kế hoạch.

  Thuận lợi trong việc điều tiết, sử dụng lao động tại chỗ để thu hái cà phê ở huyện Đăk Hà vừa quản lý được lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, vừa tạo điều kiện cho người lao động nâng cao thu nhập, nâng cao kỹ thuật thu hái cà phê qua mỗi mùa vụ. Và điều quan trọng, là mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa bà con các địa phương ngày càng khăng khít, bền chặt, gắn bó hơn.

 Thu Hương – Quang Mạnh/Đài TT-TH huyện Đăk Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *