(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 3/12/2007 của Tỉnh ủy Kon Tum, trong thời gian qua ngành Giáo dục huyện Đăk Tô đã có nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng Giáo dục đối với học sinh DTTS

Cách đây 8 năm, khi cả ba bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở còn chung một đơn vị trường; điều kiện dạy và học của các thầy cô giáo và các em học sinh ở xã Pô Kô, huyện Đăk Tô gặp nhiều khó khăn. Hệ thống trường, lớp ngay tại trung tâm xã xuống cấp; các điểm trường ở các thôn tạm bợ. Vì vậy, chất lượng dạy và học ở xã đặc biệt khó khăn này còn thấp. Đến nay, cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều được chia tách thành từng đơn vị trường độc lập. Trường, lớp khu trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, các điểm trường thôn được xây dựng kiên cố. Đáng phấn khởi là trên địa bàn xã đã có Trường Tiểu học Pô Kô được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.

Trang thiết bị dạy học
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các trường vùng sâu được quan tâm đầu tư

Trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Kon Tum về việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS, huyện Đăk Tô có tỉ lệ huy động  học sinh ra lớp và duy trì sĩ số ở trẻ 3-5 tuổi trên 92%; tỉ lệ học sinh DTTS bỏ học ở bậc tiểu học đến trung học phổ thông từ 0,9- đến gần 15%. Về chất lượng giáo dục, năm học 2007-2008 có từ 12-19% trẻ 3-5 tuổi bị thấp còi, nhẹ cân; ở bậc tiểu học có từ 12-13% học sinh xếp học lực yếu, kém; bậc học trung học cơ sở có đến 14% xếp học lực yếu kém. Trước thực trạng này ngành Giáo dục huyện Đăk Tô đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Ngành huy động các nguồn lực để kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên gắn với khuyến khích đội ngũ giáo viên học tiếng ĐBDTTS; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Trung ương, địa phương đối với giáo viên và học sinh vùng ĐBDTTS; đồng thời tổ chức phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo hợp lý. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô nói: “Giải pháp chủ yếu chúng tôi thực hiện  là tăng cường huy động học sinh ra lớp bằng cách phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã để đảm bảo huy động học sinh ra lớp và tăng cường kỹ năng nói, viết cho học sinh DTTS”.

Nhờ có những giải pháp đồng bộ, hợp lý nên chất lượng giáo dục tại các xã vùng ĐBDTTS huyện Đăk Tô có chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có 400/450 phòng học được xây dựng kiên cố. 17/21 trường tiểu học, trung hoc cơ sở đủ phòng học để dạy 2 buổi/ngày. Tỉ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt gần 99%. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở bậc tiểu học, THCS giảm xuống dưới 0,1%. Tỉ lệ học sinh trung học phổ thông bỏ học giảm còn 1,1%. Tín hiệu vui là số học sinh học lực yếu kém chỉ còn 3-4% và tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng đáng kể. Mặt khác, các em học sinh thuận lợi hơn khi đến trường nhờ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Việc ngành giáo dục huyện Đăk Tô triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Kon Tum đã góp phần quan trọng vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực là ĐBDTTS cho huyện nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Kết quả này cũng góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình đổi mới giáo dục theo hướng chất lượng, hiệu quả.

                                                                                      Văn Hiển – Thanh Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *