(kontumtv.vn) – Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, ngành Giáo dục huyện Đăk Tô đang nỗ lực ổn định cho năm học mới 2015-2016.

Mồ côi cha mẹ, nhà lại ở cách trường đến 15 km nhưng Y Toan (lớp 9B, Trường THCS  Pô Kô, huyện Đăk Tô) vẫn có mặt ngay từ buổi đầu tựu trường và hàng ngày em vẫn chăm chỉ đến lớp. Có được điều này chính nhờ ý chí muốn học tập của Y Toan và nhờ các thầy cô giáo đã động viên, hỗ trợ Y Toan kịp thời những vật dụng cần thiết để em đến trường thuận lợi. Y Toan chia sẻ: “Nhà cháu ở xa, cháu đi học đươc trợ cấp xe đạp, tiền ăn, sách vở nên cháu yên tâm học tập”.

Ngày tựu trường
Ngày tựu trường

Cùng với Y Toan, hơn 1.000 học sinh ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại xã Pô Kô, xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô đã tựu trường đông đủ từ giữa tháng 8 để bước vào năm học mới. Để đảm bảo tỉ lệ chuyên cần ngày từ đầu năm học, các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh tổ chức dọn vệ sinh trường học, làm mới phòng học tạm và  phối hợp triển khai các giải pháp hợp lý để huy động học sinh ra lớp đúng thời gian quy định. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh ra lớp tại xã Pô Kô đạt 100 % và tỉ lệ chuyên cần đạt trên 97%. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Pô Kô nói: “Giải pháp thứ nhất là tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đưa con em đến trường. Thứ hai là phân công giáo viên, các đoàn thể, đảng viên đến từng thôn, làng để tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh. Thứ ba là cấp phát chế độ cho các em kịp thời để các em có điều kiện để đi học”.

Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục huyện Đăk Tô cũng gặp không ít khó khăn. Huyện còn thiếu 58 phòng học, thiếu 195 giáo viên (gồm 141 giáo viên mầm non và 54 giáo viên tiểu học). Một số học sinh thuộc diện cận nghèo thiếu sách giáo khoa và thiếu dụng cụ học tập, một số chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú chưa về kịp. Trước thực trạng này, ngành đã tham mưu cho huyện sửa chữa 16 phòng học, các công trình vệ sinh và hạng mục phụ trợ với kinh phí 2,7 tỷ đồng; đồng thời thực hiện xã hội hóa việc hỗ trợ dụng cụ học tập và sách vở cho học sinh khó khăn, yêu cầu các trường học linh động tổ chức bán trú ngay từ đầu năm. Nhờ vậy, những khó khăn cơ bản được giải quyết. Cô giáo Nguyễn thị Hóa, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Nga cho biết: “Về đồ dùng học tập thì nhà trường đã kêu gọi được các tập thể, cá nhân ủng hộ 200 suất cho các học sinh hộ nghèo. Nhà trường ứng các nguồn khác để tổ chức cho các em ăn trưa và học 2 buổi trên ngày”.

Năm học 2015-2016, ngành Giáo dục huyện Đăk Tô có 34 trường học, trên 13.000 học sinh và hơn 900 cán bộ giáo viên ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS,  tăng gần 900 học sinh so với năm học trước. Nhờ triển khai có hiệu quả công tác chuẩn bị cho năm học mới nên trong 2 tuần đầu nhập học có hơn 96% học sinh bậc tiểu học và THCS ra lớp. Ở bậc học mầm non có 90% trẻ ra lớp, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100% trẻ ra lớp. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô nói: “Đến giờ phút này thì 34/34 trường của huyện Đăk Tô  đã sẵn sàng cho năm học mới. Ngành đã chỉ đạo cho các trường tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như sách vở, đồ dùng học tập cho cho các em để các em bước vào năm học mới một cách tốt nhất”.

Là huyện có nhiều thành tích trong công tác giáo dục và là địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm chương trình giáo dục mới, sự chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 2015-2016 là cơ sở để ngành Giáo dục huyện Đăk Tô hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ năm học mới.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *