(kontumtv.vn) – Với sự nỗ lực cống hiến, dựng xây của cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, sau 23 thành lập, huyện Ngọc Hồi đã trở thành địa phương có tiềm năng kinh tế mạnh của tỉnh, từng bước phát huy tốt vai trò là vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Kon Tum phát triển.

Đến thăm huyện biên giới Ngọc Hồi hôm nay, nhìn thấy sự nhộn nhịp, đổi mới tại thị trấn Plei Kần – vóc dáng của một thị xã biên giới đã và đang hình thành, chúng ta sẽ cảm nhận được vùng đất này đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trong những ngày này, khi cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 23 năm Ngày thành lập huyện (15/10/1991-15/10/2014). Trong đó, mục tiêu cơ bản mà huyện phấn đấu đó là xây dựng huyện Ngọc Hồi trở thành thị xã. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Những việc cần phải làm đó là chỉnh trang đô thị. Việc làm nữa là cơ sở văn hóa, thương mại, du lịch phải tập trung thu hút đầu tư bằng cách xã hội hóa. Đầu tư nguồn vốn từ ngân sách hết sức tập trung vào những công việc trọng yếu, làm sao trong một năm đồng bộ đi lên thị xã, đáp ứng được các yêu cầu”.

HAT TRIEN

Sau 23 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện thuần nông với cây trồng chủ lực là lúa rẫy, cây mì, đến nay bức tranh nông nghiệp nông thôn huyện Ngọc Hồi đã thật sự khởi sắc khi diện tích lúa nước toàn huyện đạt trên 6.600ha, cao su trên 7.800 ha, cà phê trên 1.000 ha. Ngoài ra, những mô hình chăn nuôi có hiệu quả như chăn nuôi heo rừng lai, nhím, trâu bò được bà con nông dân trong huyện thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phát triển của đô thị gắn với những chính sách ưu đãi của địa phương đã tạo được sự hấp dẫn riêng của Ngọc Hồi trong thu hút đầu tư, làm tiền đề cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự năng động trong thu hút đầu tư đã góp phần nâng mức thu ngân sách địa bàn huyện Ngọc Hồi trong năm 2014 ước đạt trên 118 tỉ đồng, tăng gấp nhiều lần so với năm 1991.

Nét nổi bật của Ngọc Hồi sau 23 năm xây dựng và phát triển là tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ trên 50% năm 1991 còn dưới 12% trong năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 22 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và mầm non đúng độ tuổi.

Đồng hành cùng sự phát triển của huyện Ngọc Hồi, diện mạo Khu kinh tế Của khẩu quốc tế Bờ Y đã có nhiều khởi sắc. Tính đến nay đã có 56 dự án đăng kí đầu tư vào Khu kinh tế Của khẩu. Trong đó, có 40 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng và 16 dự án đăng kí xây dựng văn phòng làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp.

Kỉ niệm 23 năm Ngày thành lập là dịp để cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng huyện ngày càng phát triển.

                                                                                            Văn Hiển – Thanh Hà  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *