(kontumtv.vn) – Từ năm 2017 đến tháng 5/2018, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện Sa Thầy hơn 7,2 tỷ đồng; 1 người thiệt mạng do bị nước cuốn trôi. Nhằm hạn chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2018, UBND huyện Sa Thầy đã xây dựng phương án và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai.

 HUYEN SA THAY CHU DONG TRIEN KHAI PHUONG AN PHONG CHONG THIEN TAI TRONG MUA MUA BAO NAM 2018

Sa Thầy là huyện có địa hình tương đối dốc, nhiều khe suối hẹp, kết cấu đất có độ bền vững không cao nên lũ quét và sạt lở đất thực sự là hiểm họa đối với các hộ dân sinh sống tại các khu vực xung yếu. Nhằm chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2018, UBND huyện Sa Thầy đã xây dựng Phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ và chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn thực hiện. Huyện đã tập trung rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp do Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định. Bà Tống Thị Nghĩa – Trưởng Phòng NN&PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Sa Thầy cho biết : UBND huyện đã thành lập đoàn công tác kiểm tra toàn bộ các công trình giao thông, thủy lợi cũng như một số công trình trường học và một số công trình phục vụ dân sinh trước mùa mưa bão để có phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời . Đã chỉ đạo UBND các xã rà soát, thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu về sạt lở, nước dâng để có phương án phân công lực lượng trực đảm bảo tránh thiệt hại đối với người.

Huyện Sa Thầy đã kiểm kê, bố trí vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, gồm 1 xuồng máy; hơn 300 phao tròn, áo phao cứu sinh; 16 bộ nhà bạt; lực lượng chủ lực tại huyện hơn 700 người…; triển khai tập huấn kỹ thuật chằng chống nhà cửa khi có bão, lũ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân hiểu tính cấp bách, nguy hiểm của lụt, bão. Ông A Krép – Trưởng Ban CTMT thôn Bình Loong, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho hay: Tuyên truyền với dân nếu mà mưa lũ không nên đi qua sông, qua suối nước mưa lũ mạnh. Khi nào nước rút hết thì mình mới qua được. Ông Trần Văn Định – Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy cho biết thêm: Đối với địa phương hiện nay không có khu vực bà con sống ven sông, ven suối, nhưng chúng tôi tuyên truyền cảnh báo bà con khi mưa lớn hoặc xác định các khu vực có mưa lũ xảy ra đối với địa phương đã cắm các biển báo để cho bà con cảnh giác, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động khi có thiên tai, lũ, bão xảy ra thì phải thực hiện nghiêm phương án phòng, chống lũ bão tại địa phương; huy động, sử dụng các loại vật tư, phương tiện, lực lượng tại chỗ để triển khai ứng cứu, cứu hộ kịp thời. Ông Nguyễn Minh Thuận – Chủ tịch UBND xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: Thực tế một địa bàn đặc thù sống ven lòng hồ thủy điện Plekrông và lòng hồ thủy điện Ya Ly, cũng là một địa bàn được đánh giá có địa hình chia cắt rất phức tạp. Khi có mưa thì cường độ lũ lên rất nhanh, địa phương đã chủ động báo cho người dân ở ven các lòng hồ kịp thời di dời đến vị trí cao hơn. Đối với các điểm có địa hình đồi núi phức tạp, xung yếu thì bố trí các lượng sẵn sàng khi có lũ quét, lũ ống, sạt lở thì khẩn trương thông báo cho người dân để người dân biết và phòng tránh.

Bên cạnh đó, huyện Sa Thầy cũng tập trung chỉ đạo các phòng, ban đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ hồ, đập, các điểm xung yếu, các công trình trọng điểm đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTT & TKCN; tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là diễn tập sơ tán Nhân dân và tổ chức cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *