(kontumtv.vn) – Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ sở vật chất của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông đã được cải thiện nhiều. Nhưng khó khăn nhất của Tu Mơ Rông hiện nay chính là cơ sở vật chất phục vụ bán trú của học sinh. Để đảm bảo cho học sinh có được nơi ăn, ở thuận lợi, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sức dân phục vụ bán trú cho các em học sinh.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã MăngRi, huyện Tu Mơ Rông tỏ chức bán trú cho học sinh từ năm học 2011 – 2012. Năm học 2014 – 2015 trường có hơn 200 học sinh bán trú, các em được nhà trường chăm lo buổi ăn và ngủ trưa tại trường. Được hưởng đầy đủ các chế độ bán trú theo quy định của Nhà nước nhưng khó khăn hiện tại của nhà trường là bếp nấu ăn, nhà ở cho học sinh chưa được đầu tư. Trước thực tế đó, nhà trường đã linh động phối hợp với chính quyền địa phương huy động sức dân để cùng chăm lo cho các em. Thầy giáo Lê Anh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với phụ huynh học sinh làm được cái nhà bán trú và bếp ăn cho học sinh. Trong năm học 2014 – 2015 này là có tổng cộng 127 em học sinh được hưởng chế độ bán trú và 91 em hưởng chế độ SFQAP, nhà trường đã tổ chức cho học sinh ăn ở bán trú toàn trường 218 em, có khó khăn như vậy nhưng mà nhà trường đã nỗ lực phấn đấu để mỗi em đều được hưởng các chế độ”.

Năm học 2014 – 2015, huyện Tu Mơ Rông có 17 trường hoạt động theo mô hình bán trú, với hơn 2.450 em học sinh. Trong đó, học sinh bán trú trong trường là 695 em và 1.760 em bán trú ngoài trường. Hiện tại chỉ có một trường có nhà ở kiên cố cho học sinh bán trú và 3/17 trường xây dựng được bếp ăn kiên cố, điều đó khiến công tác bán trú gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn làng, huy động sự ủng hộ của người dân tìm vật liệu, đóng góp ngày công lao động để làm nhà bán trú tạm cho học sinh. Đến nay tất cả các trường thực hiện bán trú đều có nhà bếp và nhà ở tạm cho học sinh do chính quyền và phụ huynh đóng góp xây dựng. Thầy giáo A Phun, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: “ Việc thực hiện chế độ bán trú cho học sinh được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ cho học sinh ăn ở theo Quyết định 85 và hỗ trợ gạo theo Quyết định 36 của Chính phủ. Khó khăn ở đây là nhà ở cho học sinh và nhà bếp. Trước thực tế như vậy ngành đã chỉ đạo các trường tham mưu cho UBND xã làm nhà tạm cho học sinh ở và làm nhà bếp, nhà ăn tạm cho học sinh”.

Một khó khăn nữa đó là hiện tại các trường chưa có biên chế cho nhân viên làm công tác phục vụ cho học sinh bán trú, các trường phải huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh cùng với giáo viên nấu ăn cho các em. “Ngoài việc giảng dạy trên lớp thì giáo viên cũng thay nhau xuống bếp nấu ăn và tổ chức cho các em ăn tại chỗ và tổ chức cho các em nghỉ ngơi vào buổi trưa, có một số giáo viên chủ nhiệm sẽ cho các em đọc truyện hoặc xem truyền hình”. Thầy giáo Nguyễn Xuân Mạnh, Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã MăngRi nói.

Với cách làm sáng tạo, dù đã giải quyết được khó khăn trước mắt về chỗ ở đối với học sinh bán trú ở huyện Tu Mơ Rông, nhưng đó cũng chỉ là ở tạm, chưa bảo đảm sự an toàn, nhất là trong mùa mưa. Vì vậy, các trường bán trú ở Tu Mơ Rông mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng những phòng ở, bếp ăn kiên cố để bảo đảm sự an toàn, phục vụ tốt nhất công tác bán trú của học sinh, qua đó góp phần thực hiện tốt việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngọc Chí – Đức Thắng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *