(kontumtv.vn) – Phát huy lợi thế và tiềm năng, huyện Tu Mơ Rông chú trọng phát triển cây dược liệu trên địa bàn và bước đầu chương trình này đã phát huy  hiệu quả.

Được huyện và xã Ngọc Lây hỗ trợ giống, năm 2014 anh A Biên (làng Đăk King 1, xã Ngọc Lây) trồng được 500 m2 cây sâm đương quy. Khi thu hoạch, A Biên chỉ bán sản phẩm tại làng nhưng thu được 50 triệu đồng. So với các loại cây trồng truyền thống như mì, bời lời, bắp thì mức thu nhập khi trồng cây dược liệu trên cùng diện tích đất cao hơn nhiều lần.Anh Biên nói: “Năm nay làng và tôi tiếp tục nhân rộng loại cây này vì thứ nhất cây này dễ chăm sóc, thứ hai đầu ra dễ, được giá cao  so với cây mì”.

Cùng với cây sâm đương quy, cây hồng đẳng sâm, hay còn gọi là sâm dây đã trở thành một trong những loại cây chủ lực, mũi nhọn của người dân huyện Tu Mơ Rông. Với giá từ 50.000 – 80.000đ/ kg sâm dây tươi và 500.000 – 700.000đ mỗi kg Sâm dây khô như hiện nay, thì loại cây này bước đầu đã giúp người dân trong huyện nâng cao  thu nhập. Chị Y Pót (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) cho biết: “Sâm dây được hơn, thu được cả lá, hạt, củ. Tháng 9 vừa rồi thu được một ít lá đem về bán 20.000đ/kg. Sắp tới thu củ, hạt”.

Trồng cây dược liệu
Trồng cây dược liệu

Xác định phát triển cây dược liệu là cơ hội để giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, đồng thời khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đã lựa chọn các loại cây như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, sâm đương quy và ngũ vị tử làm sản phẩm chủ lực để đầu tư phát triển. Bên cạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh, loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, huyện Tu Mơ Rông còn chú trọng  tuyên truyền, vận động người dân phát triển cây dược liệu gắn với quy hoạch vùng phát triển, đồng thời tập huấn và cung ứng giống cho người dân mở rộng diện tích cây dược liệu. Anh A Mới (làng Mô Da, xã Ngọc lây) chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi có trồng 3 loại cây dược liệu đó là sâm Ngọc Linh, sâm đương quy và sâm dây. Sâm dây và sâm đương quy được Nhà nước hỗ trợ với diện tích là sâm dây 2 sào, sâm đương quy 2 sào. Sâm Ngọc Linh thì nhà tự trồng nhưng cũng được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, hiện nay đang phát triển”.

Nhờ có bước đi phù hợp nên diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông từng bước được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 50 ha hồng đẳng sâm, hơn 5 ha sâm đương quy. Riêng sâm Ngọc Linh phát triển trên 178 ha. Trong đó, huyện hỗ trợ người dân giống, kỹ thuật trồng được 9.000 m2, nhân dân tự trồng 1 ha. Còn lại Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô trồng gần 8 ha và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh trồng 169 ha. Mục tiêu của huyện Tu Mơ Rông đến năm 2020 là phát triển được 250 ha hồng đẳng sâm, 1000 ha sâm Ngọc Linh và 50 ha sâm đương quy. Ông Hà Hồng Duy, phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Về giống thì từ các chương trình, dự án huyện hỗ trợ cho các xã triển khai cung cấp giống cho nhân dân để gieo trồng. Bên cạnh đó huyện làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để tiếp nhận  kỹ thuật gieo ươm, nhân giống để giữ gìn gen và cung ứng giống cho bà con. Đồng thời khuyến khích bà con không khai thác tự nhiên, giữ gìn để phát triển”.

Việc chú trọng phát triển cây dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông không những giúp người dân ở đây nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững mà còn góp phần gìn giữ không để tuyệt chủng nguồn gen dược liệu quý như sâm Ngọc Linh. Nỗ lực của huyện Tu Mơ Rông còn góp phần xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm dược liệu của tỉnh Kon Tum đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

                                                Văn Hiển – Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *