(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân  về  VSATTP trong quá trình nuôi trồng, chế biến, sản xuất nông – lâm và thủy sản.

Tại vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn của phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, 100% hộ nông dân của Tổ hợp tác rau an toàn phường đã tuân thủ các quy trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu sản xuất. Ông Đỗ Văn Luận, thành viên Tổ hợp tác cho biết: “ Kết hợp các chế phẩm sinh học trên thị trường, bà con đã áp dụng ủ cho các loại phân cho hoai mục hoặc vệ sinh các khu vực đồng ruộng để hạn chế sâu bệnh, đảm bảo thời gian cách ly cho sản phẩm mình ra tới ngay người tiêu dùng. Mình đã áp dụng chặt chẽ thì đương nhiên sản phẩm rau quả ra thị trường tới tay người tiêu dùng sẽ an toàn”.

Sản xuất rau an toàn
Sản xuất rau an toàn

Trang trại nuôi cá nước ngọt của ông Trần Văn Dụng (khối phố 1, thị trấn Đăk Hà) bình quân mỗi năm xuất ra thị trường  hơn 20 tấn cá. Với qui mô sản xuất lớn, ông Dụng luôn được các ngành chức năng hướng dẫn cách lựa chọn thức ăn, cách xử lý nguồn nước để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông  Dụng nói: “Từ trước đến giờ tôi mua cám con cò. Trước khi mua thì tôi cũng xem nhà sản xuất. Chẳng hạn trong vòng một, hai tháng hết hạn sử dụng là tôi không mua. Nguồn nước thì tôi làm riêng một cái đập. Hệ thống ao nào vào ao đó hết, không qua ao nọ ao kia để gây ô nhiễm”.

Trong thời gian qua, để từng bước xiết chặt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông – lâm sản và thuỷ sản, Chi cục đã đẩy mạnh  công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm nông sản, thủy sản cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, bao gồm nông dân, ngư dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông – lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Là một trong những cơ sở sản xuất nem chả có qui mô lớn, trong quá trình chế biến thực phẩm, ông Nguyễn Ngọc Tâm (cơ sở sản xuất nem chả Tâm Long, thành phố Kon Tum) luôn lựa chọn các chất phụ gia có công bố tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Ông Tâm nói: “ Sản xuất nem chả nói chung chúng tôi tìm kiếm những chất nào bảo quản đảm bảo an toàn, những chất phụ gia bảo quản tốt cho người tiêu dùng”.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh  phát triển mạnh, tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ở các huyện, thành phố đang từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông – lâm sản và thủy sản tập trung. Do đó, để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi phải quản lý tốt về chất lượng. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Kon Tum cho biết: “Về mặt nhận thức thì các cơ sở đã có nhận thức tương đối đầy đủ về những gì thuộc qui định của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra việc chấp hành cũng như thực hiện, thực hành vệ sinh quá trình sản xuất về ATTP thì các tổ chức, cá nhân chấp hành rất nghiêm chỉnh. Vì vậy mà sản phẩm nông, lâm, thủy sản đưa ra thị trường ngày càng được an toàn hơn”.

Song song với việc mở rộng về quy mô diện tích, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm nông – lâm sản và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã và đang được chú trọng. Xác định thực hiện tốt việc quản lý chất lượng vệ sinh ATTP nông, lâm, thuỷ sản  đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao giá trị của hàng hoá, trong thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh sẽ tập trung tăng cường phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất và kinh doanh nông, lâm, thủy sản ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. 

                                                                     Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *