(kontumtv.vn) – Ngoài cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ thống sông hồ, suối thác, núi non đại ngàn, Kon Tum còn là nơi có nền văn hóa lâu đời, với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc dân gian, truyền thống, hấp dẫn du khách. Việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh xác định và các ngành, các địa phương quan tâm.

Một trong những tiềm năng, thế mạnh nổi trội của du lịch Kon Tum đang được đầu tư khai thác, đó là Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen – một trong 31 khu vực du lịch có tiềm năng của Việt Nam đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Nằm ở độ cao trên 1.100 m so với mực nước biển, được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, với khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng những rừng thông trải dài mờ sương, những thác nước nguyên sơ, Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Măng Đen thành khu du lịch sinh thái, khu du lịch nghỉ dưỡng quốc gia đang được các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện quan tâm. Ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nói: “Chúng tôi đã tiến hành lập dự án đầu tư hạ tầng Khu Du lịch sinh thái Măng Đen. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, các khu du lịch tâm linh như Chùa Khánh Lâm, Khu tượng Đức mẹ du khách đến ngày càng đông; hệ thống nhà hàng, khách sạn ngày càng hoàn thiện”.

Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen
Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen

Ngoài việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Kon Plông đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến phát triển các loại rau, hoa, quả xứ lạnh, nuôi cá nước lạnh để tạo cảnh quan cho khu du lịch sinh thái, hình thành các sản phẩm đặc trưng cho Măng Đen. Được thành lập từ năm 2012, đến nay, ngoài việc triển khai thành công các mô hình trồng hoa ly, lan hồ điệp, hoa hồng và đồng tiền, Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen đã thử nghiệm thêm nhiều loại hoa, rau, quả xứ lạnh đa dạng để từng bước phục vụ nhu cầu khách du lịch. Bà Trần Thị Sợi, HTX Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen cho biết: “Năm rồi tôi đem 100 cây quất từ miền Tây về trồng, rồi trồng thêm 1000 cây phật thủ nữa và có cả một vườn dâu để trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra còn có ổi, sa ri, mận, cam, với hy vọng là mình sẽ làm cho khu du lịch thêm đặc biệt”.

Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cùng với chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương, Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách, trong đó có nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư xây dựng như Khu Du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, khu nghỉ dưỡng, Dự án Nông trại hữa cơ, Dự án sản xuất rau hoa quả xứ lạnh công nghệ cao,  Dự án quản lý bảo vệ rừng, cây dược liệu và nuôi dê sữa…Ông Nguyễn Quang Cư, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình nói: “Khi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại địa bàn huyện Kon Plông thì có những chính sách ưu đãi của chính quyền huyện, như chính sách về đất đai, hỗ trợ về thuế trong thời gian đầu; rồi có những chính sách hỗ trợ khác như cùng với doanh nghiệp, huyện cũng đầu tư một số cơ sở hạ tầng vào các điểm du lịch”.

Đến nay, nhiều thắng cảnh, khu di tích lịch sử của tỉnh đã được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia, khu du lịch của tỉnh như Khu Du lịch cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Kroong, Nhà thờ gỗ, Bảo tàng Kon Tum, Di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân cảnh…, đang là những điểm đến của du lịch Kon Tum.Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết: “Ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhìn chung về du lịch trong những năm qua và nhất là trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có những bước phát triển. Lượng khách du lịch đến Kon Tum ngày một tăng, thu nhập của xã hội từ phát triển du lịch cũng đã có bước phát triển”.

Tuy phần lớn các sản phẩm du lịch của tỉnh còn đang trong giai đoạn đầu tư chưa hoàn thiện, nhưng bước đầu đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Kon Tum. Năm 2014, ngành Du lịch Kon Tum đã đón trên 200.000 lượt khách, tăng 15.000 lượt khách so với năm 2013, trong đó có trên 72.000 lượt khách du lịch quốc tế, với tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm trước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Kon Tum đã đón 115.000 lượt khách, trong đó có gần 39.000 lượt khách quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để Kon Tum tiếp tục phát huy, phát triển trong thời gian tới, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

                                                                                  Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *