(kontumtv.vn) – Nước thải trong hoạt động sản xuất ở Khu Công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum từng là nguyên nhân gây ô nhiễm dòng suối Đăk Tía và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trong vùng, là nỗi bức xúc của nhiều người dân nơi đây trong nhiều năm qua. Tình trạng này đã được cải thiện từ đầu năm nay khi KCN chính thức có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Làm nghề trồng hoa cạnh KCN Hòa Bình cả 10 năm nay, nên anh Lê Văn Bích (tổ 1 phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) đã quen với mùi hôi thối bốc lên từ phía KCN, anh cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về vấn đề này. Từ nhiều tháng nay, anh đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Anh Bích cho biết: “Thời gian đầu khi KCN mới đi vào hoạt động thì nó thải nước thải màu đen xuống suối phía kia, mùi hăng hắc như mùi của thuốc sâu. Bây giờ thì không còn ảnh hưởng gì nữa, nước vẫn trong, không có mùi gì nữa”

Dòng suối Đăk Tía cũng được trả lại màu xanh trong, người dân đã không còn kêu ca, phàn nàn, bởi từ đầu năm 2014, hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN chính thức đi vào hoạt động.

KCN Hòa Bình là KCN lớn nhất ở Kon Tum với 17 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo lẽ thường, trước khi một KCN đi vào hoạt động phải được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước và hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, tại KCN Hòa Bình, hệ thống xử lý nước thải đã không được đầu tư xây dựng cùng với thời điểm đi vào họat động. Vậy nên, doanh nghiệp phải xả thải ra ngoài môi trường, và dòng suối Đăk Tía là địa điểm “lý tưởng” để xả thải trực tiếp. Trong nhiều năm, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải của KCN đã được người dân cũng như chính quyền địa phương liên tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Theo chị Trần Thị Tuyết – Phụ trách KCN Hòa Bình, thuộc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum thì: “ KCN đi vào hoạt động từ năm 2008, nhưng đến năm 2013 mới được đầu tư hệ thống nước thải vì lí do khách quan của một số yếu tố như tỉnh hạn chế về nguồn vốn và lí do chủ trương chuyển nhượng KCN Hoà Bình nên đến đầu 2013 tỉnh mới cho chủ trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN với nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ”.

Với tổng mức đầu tư gần 8,4 tỷ đồng, công suất 500 m3/ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải được thiết kế đủ để xử lý nước thải cho tất cả doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN. Nước thải thay vì được thải theo đường gom nước mưa ra ngoài môi trường thì nay được thu gom về nhà máy xử lý nước thải. Sau khi thu gom về bể tập trung sẽ được đưa vào bể điều hòa, từ bể điều hòa vào bể xử lý hóa chất rồi bể tách dầu mỡ, bể xử lý sinh học, bể tách sinh học….Anh Lê Văn Tuấn, Phụ trách nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Bình cho biết thêm: “Nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Bình được xử lý theo công nghệ hóa lý kết hợp sinh học. Công nghệ này được xem là hiện đại nhất hiện nay và được áp dụng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Công nghệ này xử lý toàn bộ nước thải cho KCN và nước thải đầu ra sẽ đạt theo quy chuẩn đầu ra 40: 2011 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và nó đạt giá trị C, cột B tức là quy chuẩn hiện tại của Bộ TNMT. Nước thải này sau khi xử lý được thải ra môi trường và bà con yên tâm nó không ảnh hưởng gì đến cây trồng”.

Như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải của KCN Hòa Bình sau nhiều năm gây bức xúc cho người dân nay đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là làm sao để duy trì họat động thường xuyên của nhà máy này cũng như quản lý chặt các doanh nghiệp để họ không lén lút xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường, điều này đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng như của đơn vị chủ quản.

Như Nguyệt – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *