(kontumtv.vn) – Khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hơn 16.000 quân tinh nhuệ và hệ thống vũ khí tối tân và hiện đại, thực dân Pháp cho rằng đây sẽ là thành trì vững chắc để nghiền nát quân Việt Minh. Thế nhưng chúng không ngờ, chính đội quân chân đất Việt Minh đã đánh tan tập đoàn cư điểm Điện Biên Phủ, khẳng định cho thực dân Pháp và thế giới thấy được đây là chiến thắng của chính nghĩa.

Tham gia vào đội hình quân đội Việt Minh ngày ấy có cụ Đỗ Trọng Hòa, hiện đang ở số nhà 109 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum. Vào thời điểm năm 1953, khi quân và dân ta chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đang là học viên của Trường Thiếu sinh quân Liên Khu 4. Trước khí thế sục sôi của cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp, chàng trai 17 tuổi Đỗ Trọng Hòa đã tình nguyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình của Đại đội 32, Tiểu đoàn 5, Đại đoàn công binh 316. Đây chính là đơn vị được giao nhiệm vụ tấn công đồi A1, trung tâm đầu não của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Cuộc chiến giằng co kéo dài hàng tháng trời, đơn vị của ông Đỗ Trọng Hòa đã 2 lần chiếm được đồi A 1, thế nhưng địch ngoan cố dùng hỏa lực mạnh đánh chiếm lại. Mất mát, hi sinh khá nhiều, nhưng ông cùng đồng đội vẫn vững tin vào chiến thắng. Tuy nhiên, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều đồng đội của ông đã mãi nằm lại vùng đất Điện Biên  khi tuổi đời còn rất trẻ. Cựu chiến sĩ Điện Biên Đỗ Trọng Hòa kể lại: “Tôi trực tiếp tham gia đợt 2, một tiểu đoàn 230 người còn lại 18, trong đó có tôi. Tất cả cấp trưởng hy sinh hết. Đại đội trưởng hy sinh, đại đội phó lên. Đại đội phó hy sinh, chính trị viên lên chỉ huy. Tất cả một tiểu đoàn còn 18 đồng chí”.

Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Cựu chiến sĩ Điện Biên Vũ Hữu Như, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh tại chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Năm 2014, ông vinh dự được đại diện cho cựu chiến sĩ Điện Biên các tỉnh Tây Nguyên tham dự Lễ kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ tại Hà Nội vào tháng 5/2014, được gặp lại nhiều đồng đội và được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ông rất hãnh diện. Về chuyện tham gia bộ đội pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vũ Hữu Như kể:  Năm 1953 ông cùng nhiều đồng đội được cử sang Trung Quốc, rồi sang Liên Xô học sử dụng pháo 105 li. Không phụ lòng tin của cấp trên, ngay loạt đạn đầu tiên đơn vị của ông đã gây nhiều thiệt hại cho địch. Đặc biệt là gây nên sự bất ngờ, hoang mang tột độ khi chúng phát hiện ta có pháo hạng nặng  ở Điện Biên Phủ. Ông Vũ Hữu Như cho biết, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ, phải kể đến vai trò hiệp đồng tác chiến của bộ đội Việt Minh trong cả nước. Lúc đó bộ đội ta mở chiến dịch ở Tây Nguyên, ở Khu V, ở miền Nam khiến cho địch không thể điều động lực lượng tiếp ứng cho Điện Biên Phủ.

Chính tinh thần lạc quan và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, của sự nghiệp cách mạng, hàng vạn chiến sĩ Điện Biên đã không sợ hy sinh, gian khổ, đoàn kết cùng nhau làm nên một chiến thắng vang dội cả địa cầu. Một chiến thắng mà ý nghĩa lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị sau 61 năm trôi qua. Bài học lịch sử này vẫn luôn được các thế hệ Việt Nam ghi nhớ. Chia sẻ cảm tưởng về chiến thắng Điện Biên Phủ, Thượng úy Cao Anh Quốc, Trợ lý Thanh niên, Phòng Chính trị, Bộ CHBP Kon Tum tự hào nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến tích hào hùng của thế hệ cha anh, thể hiện được bản sắc, nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Đối với chúng tôi, những sĩ quan trẻ trong lực lượng vũ trang sẽ cố gắng hết sức học tập, tìm hiểu nghệ thuật quân sự độc đáo của cha ông để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Mỗi người mỗi binh chủng, mỗi vị trí khác nhau, nhưng với một niềm tin chiến thắng, những chiến sĩ trong đội quân chân đất Việt Minh năm xưa đã không sợ gian khổ, hi sinh, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu. Chính chiến thắng này đã góp phần buộc thực dân Pháp phải rút quân khỏi khỏi Việt Nam và Đông Dương, tạo thuận lợi cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa nửa phong kiến trên thế giới giành được thắng lợi.

Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *