(kontumtv.vn) – Phát triển kinh tế trang trại được xem là hướng đi phù hợp, ngày càng có nhiều nông dân lựa chọn. Ở Đăk Hà, mô hình này hiện nay đã được nhân rộng và đã có nhiều trang trại mang lại hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập từ vài trăm đến hơn 1 tỷ đồng.

Rời quê Lạng Sơn theo bà con vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 1988, đến năm 2008, qua ủy thác của Hội Nông dân xã, anh  Đinh Văn Hiếu (thôn 1A, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) mạnh dạn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện 20 triệu đồng để chăn nuôi heo. Đến nay, gia đình anh đã phát triển đàn heo trên 150 con, mỗi năm trừ các khoản chi phí thu hơn 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Hiện tại thì giống vẫn chưa đủ cho nhu cầu nuôi của mình,  tương lai trước mắt tôi tự cung tự cấp nguồn giống để đảm bảo cách nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Qua một thời gian nuôi, mình tích lũy được kinh nghiệm, thấy sẽ hiệu quả kinh tế hơn nếu áp dụng theo kiến thức khoa học, tạo dựng được con giống thì sẽ tốt hơn”.

Ngoài ra, gia đình anh Hiếu còn có vườn cà phê hơn 1,5 ha đang cho thu hoạch.

Mô hình chăn nuôi heo của gia ddinbhf anh
Chăn nuôi heo của gia đình anh Đinh Văn Hiếu

Đây chỉ là một trong số các mô hình kinh tế trang trại nhỏ và vừa của huyện Đăk Hà. Anh Đào Thọ Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết: “Thời gian vừa qua được sự quan tâm của các cấp, khuyến khích một số chương trình chăn nuôi, đặt biệt là chương trình hỗ trợ vay vốn cho bà con, như vốn giải quyết việc làm, đặc biệt là thông qua kênh vốn Ngân hàng chính sách xã hội thì hầu như bà con được vay vốn. Từ chỗ có nguồn vốn bà con đủ điều kiện khả năng phát tiển tốt hơn”.

Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của ông Trần Xuân Vịnh (thôn 10, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) được xây dựng hơn 10 năm nay với các loại cây cà phê, cao su, cây ăn quả và ao cá đã trở thành mô hình trang trại kiểu mẫu. Năm 2013 vừa rồi, mặc dù nông sản rớt giá, nhưng gia đình ông vẫn thu được gần 2 tỷ đồng. Ông vinh dự được bình chọn là nông dân xuất sắc nhất tỉnh để tham dự Hội nghị vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013. Ông Vịnh dự định: “ Vì điều kiện địa hình ở đây sình lầy, mình tận thu, cải tạo để sử dụng vào công việc làm ăn, nhưng mình vẫn chưa toại nguyện. Đây mới đang là bước đầu để xây dựng, tôi dự kiến sẽ kè các ao hồ để nuôi cá công nghiệp và chăn nuôi gà, làm một số chuồng chăn nuôi heo”.

Đến nay, trên địa bàn Huyện Đăk Hà có gần 150 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Khi có được giấy chứng nhận, người nông dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng. Từ đó việc mở rộng sản xuất, phát triển trang trại ngày càng được nâng lên, có không ít trang trại đã mang hiệu quả và cho thu nhập cao.

Có thể nói việc phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua Đăk Hà là một hướng đi rất phù hợp đối với một địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy có hiệu quả và nhân rộng, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp.

                                                                             Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *