(kontumtv.vn) – Đến thời điểm hiện nay, huyện Kon PLông đã thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2015. Đáng ghi nhận là sau đào tạo, các học viên đã tự tạo được việc làm hoặc được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Anh A Dong (thôn Kon Ke 1, xã Đăk Long, huyện Kon Plông) vừa mới trồng được 2 sào cà phê chè. Mặc dù từ lâu đã muốn trồng loại cây này nhưng do không biết quy trình kỹ thuật trồng nên đến tháng 7/2015, sau khi kết thúc khóa đào tạo trồng, chăm sóc cà phê do Trung tâm Dạy nghề Măng Đen tổ chức, A Dong mới dám đầu tư xuống giống trồng cây cà phê trên diện tích đất sản xuất cây lương thực trước đây của gia đình. Anh A Dong nói: “ Trước đây em chưa trồng cà phê, bây giờ học xong thì em mới trồng được cà phê. Em thích trồng cà phê vì loài cây này có năng suất, giá cả cao, sẽ giúp gia đình tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Từ nguồn kinh phí của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen đã đào tạo nghề cho 500 lao động ở địa phương. Trong đó, hơn 400 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như trồng, chăm sóc cà phê; chăn nuôi trâu bò sinh sản; trồng lúa thuần, trồng ngô lai năng suất cao. Sau đào tạo, hầu hết các học viên đã vận dụng được kiến thức vào phát triển sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm đã đào tạo nghề nề cốt thép và điện dân dụng cho gần 100 lao động. Kết thúc khóa đào tạo, 100% học viên được Trung tâm giới thiệu vào làm việc tại Công trình Thủy điện Đăk Lô 3, xã Măng Cành. Nhờ đó, các học viên đã có việc làm và thu nhập ổn định ngay sau đào tạo. Anh Đinh Chát (thôn 7, xã Pờ Ê, huyện Kom Plông) chia sẻ: “Vào học Trường học nghề nề cốt thép, học 3 tháng sau em được Công ty Sông Đà 3 tuyển vào tại Đăk lô, thu nhập hàng tháng của em cũng tương đối ổn định. Một tháng trừ tiền ăn còn 5,6 triệu đồng”
Năm 2015, huyện Kon Plông được tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 380 lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, huyện đã thực hiện vượt trên 130% so với kế hoạch được giao. Đáng ghi nhận là trong quá trình tổ chức đào tạo các nghề phi nông nghiệp, luôn được chú trọng gắn với địa chỉ tuyển dụng lao động. Riêng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp được tổ chức vào thời gian thích hợp để học viên có thể vận dụng ngay vào sản xuất. Thầy giáo Đặng Trần Hùng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen cho biết: “Trung tâm mở lớp thực hiện theo thời gian vụ mùa, tránh thời gian nắng nhiều hoặc mưa nhiều. Thời gian mở lớp từ trung tuần tháng 3 đến khoảng cuối tháng 7 là hoàn thành xong nhiệm vụ đối với các lớp dạy lưu động ở thôn, xã. Còn những lớp ở Trung tâm thì mưa cũng có thể học được. Để cho học viên dễ tiếp thu, Trung tâm đã biên soạn chương trình giáo trình sao cho phù hợp, hình thức cầm tay chỉ việc là chính”.
Với cách làm này, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen đã từng bước thực hiện mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây cũng là một trong những giải pháp tích cực để đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.
Thanh Tùng – Công Luận