Mặc dù Ban an toàn Giao thông tỉnh Kon Tum đã có một thông điệp về đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ để hưởng ứng năm an toàn giao thông Quốc gia 2013, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2013 số vụ TNGT và số người chết liên quan đến người đi bộ chiếm hơn 15%.

Năm 2013 là năm an toàn giao thông Quốc gia và lần đầu tiên nội dung đảm bảo an toàn giao thông đối với người đi bộ đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai trong toàn Quốc. Trên cơ sở đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh Kon Tum đã triển khai tuần lễ an toàn giao thông lần thứ 2 trên địa bàn tỉnh từ ngày 6/5-12/5/2013 với thông điệp đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2013, mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ không đạt yêu cầu đề ra. Thậm chí, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông với người đi bộ ngày càng gia tăng. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Kon Tum cho biết: “Số người đi bộ chết vẫn còn cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi của người đi bộ và lỗi của người điều khiển phương tiện, người đi bộ đi không đúng phần đường dành cho mình và người tham gia điều khiển phương tiện thì đi với tốc độ cao gây ra những tai nạn liên quan đến người đi bộ”.

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum giảm 38 vụ tai nạn giao thông, giảm 33 người bị thương và 25 người chết so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong 75 vụ tai nạn giao thông thì có 10 vụ liên quan đến người đi bộ. Trong số 72 người bị thương và 58 người chết do tai nạn giao thông, có đến 9 người chết và 4 người bị thương liên quan đến người đi bộ. Trao đổi về tình trạng số người chết do tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ tăng cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ông Quách Văn Sáng, Phó Giám đốc Công Ty THHHMTV Môi trường Đô thị Kon Tum lo lắng, đơn vị có nhiều công nhân lao động dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Vì vậy, đội ngũ công nhân của đơn vị thường xuyên gặp nguy hiểm với tai nạn giao thông. Ông Quách Văn Sáng kể, vào đầu năm 2013, cô Lê Thị Huệ tử vong vì tai nạn giao thông. Ông Sáng khẳng định, trong quá trình lao động, cô Huệ đã chấp hành nghiêm các quy định về bảo hộ lao động và an toàn giao thông như mặc trang phục lao động có phản quan, thực hiện dọn vệ sinh đúng giờ và đúng phần đường quy định. Thế nhưng cô Huệ vẫn bị va chạm giao thông do người điều khiển mô tô tông phải. Mặc dù đã được gia đình và y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cô Lê Thị Huệ đã tử vong do vết thương quá nặng. Trước thực tế đó, ông Quách Văn Sáng, Phó Giám đốc Công Ty THHHMTV Môi trường Đô thị Kon Tum kiến nghị với các cấp, các ngành: “Tuyên truyền vận động CBCNV và  nhân dân chấp hành luật giao thông đường bộ. Thứ hai là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ”

Qua số liệu thống kê, một số trường hợp do người đi bộ không chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, đi không đúng phần đường dành cho người đị bộ dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lối đi của người đi bộ để mua bán, thậm chí có nhiều nơi còn cho thuê vỉa hè để kinh doanh như hiện nay thì sự an toàn của người đi bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bức xúc trước việc buộc phải đi bộ dưới lòng lề đường, ông Bùi Xuân Thưởng, hiện ở nhà số 58/8 đường Đoàn Thị Điểm, thành phố Kon Tum cho rằng:”Tôi muốn đi trên hè nhưng trên hè người ta bán hàng chật không có lối đi vì vậy phải đi dưới lề đường. Tôi thấy đi dưới đường nguy hiểm”

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, ngoài việc yêu cầu người đi bộ chấp hành luật giao thông đường bộ nghiêm túc, thì người đi bộ cũng có quyền được bố trí lối đi ưu tiên theo luật định. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum lối đi dành cho người đo bộ chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài việc vỉa hè, lối đi chính của người đi bộ bị lấn chiếm, tại nhiều tuyến giao thông đô thị, lối đi bộ sang đường không được bố trí hợp lý. Tại một số ngã tư có tín hiệu đèn điều khiển giao thông, không có vạch giới hạn dừng dành cho xe cơ giới, vì vậy người đi bộ thường xuyên bị các phương tiện cơ giới lấn ép gây nguy hiểm. Mặc khác, sự lỏng lẻo, thiếu nghiêm minh trong việc xử lý các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy, ô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chèn lấn lối đi của người đi bộ cũng là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ. Thiết nghĩ tình trạng này sớm được khắc phục để người đi bộ có thể an tâm hơn khi tham gia giao thông, dạo phố, ngắm cảnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum./.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *