(kontumtv.vn) – Ngày 23/11, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm di sản Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên tỉnh Kon Tum và kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2015). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Hội nghị sơ kết 10 năm di sản
Hội nghị sơ kết 10 năm di sản Cồng Chiêng Tây Nguyên

Sau 10 năm được UNESCO vinh danh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng và quảng bá Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Kon Tum đã được các cấp ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 9/2015, tỉnh Kon Tum có hơn 300 đội nghệ nhân cồng chiêng với gần 2.000 bộ cồng chiêng các loại. Hàng năm Sở VH,TT&DL tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động sưu tầm, bảo tồn, duy trì tổ chức các hoạt động trình diễn cồng chiêng tại cộng đồng làng, cũng như tổ chức các hội thi, liên hoan cồng chiêng quy mô cấp tỉnh trong Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh; thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá Không gian văn hóa Cồng Chiêng trên các kênh thông tin đại chúng; tham gia tích cực các hoạt động quảng bá di sản văn hóa Cồng Chiêng trong và ngoài nước. Đồng thời, đã tổ chức mở 26 lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cho gần 600 người tham gia học tập. Hiện nay, có 2/3 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trên địa bàn đang ở độ tuổi thanh niên, trong đó có nhiều thiếu niên 13, 14 tuổi.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng làng và các nghệ nhân, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Cồng Chiêng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu kinh phí để tổ chức các lớp truyền dạy; một số lớp trẻ chưa hiểu đầy đủ giá trị văn hóa cồng chiêng nên ít yêu thích, ít quan tâm. Còn 350/593 thôn, làng đồng bào DTTS chưa có bộ cồng chiêng tập thể.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài; đề nghị ngành Văn hóa, thể thao và du lịch, các sở, ngành có liên quan và các địa phương trong thời gian tới cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên nói chung và của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng.

Trong dịp này, đã có 6 tập thể, 6 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 5 tập thể, 24 cá nhân được Sở VH,TT&DL tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên tỉnh Kon Tum.

Quang Mẫn

          

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *