(kontumtv.vn) – Trong nhiệm kỳ qua, các cấp, ngành và đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đông đảo mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh, trong giai đoạn 2010 – 2015, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đào tạo 21 lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính, với hơn 1.700 học viên; bồi dưỡng 78 lớp cho các loại hình như ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận …, với sự tham gia của gần 6.000 học viên. Cùng với đó, nhà trường đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức được 4 lớp cao cấp chính trị – hành chính cho 430 cán bộ. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các học viên đã dần nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, có ý thức hơn trong công tác chuyên môn, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Anh Nguyễn Thành Đông, Lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính K42 nói: “Qua lớp này, gắn với lý luận thực tiễn, giúp tôi công việc trôi chảy hơn. Như trong công việc chuyên môn đi làm công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết các vấn đề ở cơ sở, đã tạo cho chúng tôi có cơ sở lý luận và dẫn dắt được các chủ trương, đường lối của Đảng”.

“Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đã củng cố niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công chức về lập trường, quan điểm, kiên định về mục tiêu, chống thoái hóa, phai nhạt về lý tưởng, góp phần đưa tỉnh Kon Tum thoát nghèo, ổn định và phát triển”. Thầy  giáo Mai Văn Bay, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh nói.

Song hành với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trí thức, những năm học qua, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã đào tạo cho trên 7.700 sinh viên, bao gồm hệ chính quy, không chính quy, đào tạo từ xa, đào tạo sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn. Với rất nhiều các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo như kinh tế, quản lý, nông nghiệp, công nghệ, kỹ thuật, công nghệ sinh học, các sinh viên kết thúc các khóa học của phân hiệu đều được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để lập nghiệp trong tương lai. Sinh viên Nguyễn Lê Quốc Tuấn, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, Phân hiện Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết: “Khi học ở đây, nhà trường tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng em, có phòng tự học, thầy cô giảng dạy nhiệt tình, có đầy đủ thiết bị. Khi học ở đây em nghĩ mình sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức hơn nữa để có được hành trang vững chắc để ra đời”.

 “Trong nhiệm kỳ qua, liên tục hàng năm có các lớp thạc sỹ, mỗi năm có từ 100 – 200 cán bộ, viên chức trên địa bàn tham gia học thạc sỹ ở các khối, ngành kinh tế, kỹ thuật, quản lý, đặc biệt là thạc sỹ quản lý giáo dục; đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, các kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp của những người đang làm việc trên địa bàn”. Tiến sỹ Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nói.

Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 33% năm 2010 lên 43% năm 2015. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh có 40 công chức, viên chức tốt nghiệp các trình độ sau Đại học; có 10 cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học; hơn 100 cán bộ, công chức cấp xã và dự nguồn tham gia các lớp đào tạo trình độ đại học chuyên ngành quản lý nhà nước; tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.100 lượt cán bộ công chức từ tỉnh xuống xã và 400 lượt công chức, viên chức tham gia học tiếng DTTS. Ngoài ra trong nhiệm kỳ, tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt công tác tạo việc làm ổn định cho gần 7.500 lao động là con em người đồng bào dân tộc thiếu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng; công tác tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp được các cấp, ngành chủ động thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với phương châm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có trên 52% lao động đã qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 36,5%. Để hoàn thành tốt công tác này, ngoài sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho người dân tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đối tượng người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tấn Thành – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *