(kontumtv.vn) – Vừa qua, tại huyện Đăk Hà, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; đại diện một số hộ dân, doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tỉnh Kon Tum
Hội nghị triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tỉnh Kon Tum

Tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê, phát triển bền vững ngành cà phê giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tính đến năm 2014, toàn tỉnh Kon Tum có diện tích cà phê hơn 14.100 ha, theo kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện tái canh cà phê với tổng diện tích 2.180 ha. Trong đó tái canh 1.430 ha cà phê vối, 750 ha cà phê chè. Riêng năm 2015 cần thực hiện tái canh trên 430 ha.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, vướng mắc lớn nhất đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tái canh cà phê ở Kon Tum hiện nay là chưa thể vay vốn từ Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê. Để thực hiện được lộ trình tái canh cây cà phê, tỉnh Kon Tum cần xây dựng được các chính sách tái canh phù hợp với thực tế địa phương; triển khai thực hiện tốt gói tín dụng 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên phục vụ Chương trình tái canh cà phê; nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, ưu đãi hơn nữa về lãi suất; quản lý tốt về chất lượng giống tái canh; tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu chuyên ngành và các tỉnh thực hiện tái canh để tham khảo, học tập kinh nghiệm.

Những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tái canh cà phê đã được lãnh đạo các sở và ngành Ngân hàng giải đáp cụ thể tại hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh: Chính sách cho vay tái canh cây cà phê nhằm giúp các hộ dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê, phát triển bền vững ngành cà phê. Vì vậy người dân, doanh nghiệp cần nhận thức rõ việc tái canh là phù hợp, trên tinh thần xem xét thực tế vườn cây của mình và quyết định cần phải tái canh hay không. Đồng thời các sở, ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương tái canh cây cà phê, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân trong quá trình tiếp cận nguồn vốn.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện cần sớm tập hợp danh sách các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu tái canh cây cà phê để gửi đến các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *