(kontumtv.vn) – Quê Hà Nam, nhập ngũ tháng 6 năm 1974, sau khi được huấn luyện 3 tháng, ông Quyền Đình Phong được bổ sung vào Tiểu đội 9, Đại đội 9, Trung đoàn Plei Me, Đoàn Đăk Tô. Kể từ đó ông tham gia rất nhiều trận đánh ác liệt, từ chiến Trường Tây Nguyên cho đến trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.  

Ông Quyền Đình Phong (tổ dân phố 4, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết, trận đánh mà ông tham gia đầu tiên là trận ở Đức Lập – một trong những trận đánh mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột. Sau khi cùng với các đơn vị giải phóng hoàn toàn Buôn Mê Thuột, ông tiếp tục tham gia đánh Lữ đoàn dù 3 của địch phản kích ở đèo Phượng Hoàng nhằm tái chiếm Buôn Mê Thuột. Sau khi tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 của địch, đơn vị ông tiếp tục đánh chiếm, giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông Phong nhớ lại: “Đơn vị chúng tôi  xuống giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, sau đó  hành quân đến Phan Rang, Tháp Chàm thì được lệnh quay lại để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Quay lại đường 14, tập kết ở Củ Chi để chẩn bị cho chiến dịch. Thời điểm vào tập kết ở phía Bắc của sông Đồng Nai là khoảng ngày 22, 23 gì đó của tháng 4/ 1975”.

Ông Quyền Phong kể chuyện tham gia giải phóng Sài Gòn
Ông Quyền Phong kể chuyện tham gia giải phóng Sài Gòn

Lúc Trung đoàn Plei Me nhận được lệnh phối hợp với Trung đoàn H8 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, ông là Tiểu đội phó. Mặc dù thời điểm bấy giờ ông cũng như nhiều người chưa nhận định hết toàn cục, thế nhưng trong lòng mỗi chiến sĩ điều cảm nhận khí thế của lực lượng sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian rất ngắn. Hơn nữa, trong lúc này khí thế của chiến sĩ rất cao, mặc dù trên đường tiến công vào có những lúc địch phản kháng rất dữ dội, nhưng đồng đội rất quyết tâm. Ông Phong kể: “Đêm 29/4/1975 chúng tôi vào đến Bộ Tổng tham mưu và đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu đến 8 giờ sáng ngày 30/4 thì giải phóng và đánh chiếm xong toàn bộ Bộ Tổng tham mưu. Đồng thời lúc đó kết hợp với các đơn vị giải phóng, rồi đến 11 giờ 30 có đài thông tin báo là đã giải phóng Sài Gòn và bắt sống toàn bộ nội các của Dương Văn Minh”.

Các mũi tiến công theo mệnh lệnh của cấp trên là tiến công với khí thế dũng mãnh, chiếm lĩnh toàn bộ và tước vũ khí của địch, đập tan triệt để mọi sự chống đối của chúng. Mặc dù sự phản kháng của địch là rất ít, nhưng rất tiếc có những đồng đội của ông đã ngã xuống chỉ cách đó vài giờ. Ông Phong xúc động: “Theo quán triệt ở trên là cố gắng giữ đến mức cao nhất để thành phố ít bị tàn phá. Khi chúng tôi đi đến đâu, giải phóng đến đâu, đồng bào ra mừng, tặng quà, thậm chí có những bà mẹ già cầm mấy quả dừa ra quẳng lên xe của chúng tôi”.

Ông Quyền Đình phong nhớ lại, khi Sài Gòn được giải phóng, đồng bào đã hân hoan, hồ hởi đón chào quân giải phóng, vỡ òa trong sung sướng, khác với những gì mà trước đó Mỹ- Ngụy tuyên truyền là “Cách mạng sẽ tắm máu, trả thù, tàn sát đồng bào”.

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *