(kontumtv.vn) – Gần 40 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm về một thời trai trẻ của những người đi B vẫn còn lắng sâu trong tâm trí họ. Đó là những tháng ngày vô cùng khó khăn, gian khổ, song rất đỗi  tự hào.

Sau khi Hiệp định Giơvevơ năm 1954, nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã tập kết ra Bắc để học tập, lao động sản xuất. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, từ năm 1959 – 1975, họ đã  được bố trí bí mật trở lại miền Nam để tham gia  vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với những người đi B, hành trang duy nhất  của họ là lòng yêu nước, khát khao cống hiến cho quê hương, quyết  tâm giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Ông
Ông Rơ Manh Ai Văn kể chuyện đi B

Sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Chang, xã Đăk Rơ Manh, huyện H 29 (nay là xã Măng Bút, huyện Kon Plông), ông Rơ Manh Ai Văn, một cán bộ đi B bồi hồi kể lại: Năm 1960, ông vinh dự được tuyển chọn ra miền Bắc học tập khi mới 12 tuổi. Trong 12 năm học tại Trường Dân tộc Trung ương ở Hà Nội, ông đã được đồng bào miền Bắc nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ rất chu đáo. Ông cũng đã vinh dự được 2 lần gặp Bác Hồ đến thăm trường. Ông kể: “ Từ tháng 12/1959 mới ra Bắc, đi đến tháng 7, tháng 8 mới ra đến Hà Nội. Các thầy cô, nhân viên rất thương, coi như con cái, thương ghê gớm. Thậm chí khi ngủ, mấy cô thầy đi thăm, xem mình chưa đắp chăn thì đắp hộ. Bác Hồ đến, tất cả học sinh đứng dậy, hô lên, vui mừng. Hai lần Bác Hồ tặng kẹo, tôi còn nhỏ, ở phía trước, Bác Hồ phát kẹo từng người một”.

Trong suốt thời gian sống và học tập trên đất Bắc, ông Rơ Manh Ai Văn được tin cả nhà đều bị Mỹ – Ngụy giết hại. Lòng căm thù giặc lên đến đỉnh điểm, ông Văn đã tình nguyện đi bộ đội để trở về miền Nam nhưng không được nhà trường chấp thuận. Ông quyết tâm theo học chuyên ngành sư phạm để mong sớm được trở lại quê hương phục vụ cách mạng. Đến năm 1972, ông được  ghi tên vào danh sách đi B tại chiến trường Tây Nguyên.

Trở lại Kon Tum, ông Văn đã giảng dạy và tham gia công tác quản lý ở nhiều trường khác nhau. Nghe theo lời dạy của Bác Hồ, ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.Cùng chung chí hướng với ông Văn, vợ ông là bà Hồ Thị Minh Húy, dân tộc Pa Kô ở tỉnh Thừa Thiên Huế  cũng tình nguyện đi B. Sau  thời gian học tập ở miền  Bắc, bà đã xin về quê chồng để tham gia xóa mù chữ cho người dân vùng sâu, vùng xa. Bà Húy nhớ lại: “Những người đi B ai cũng đều mong muốn trở về để xây dựng quê hương, đất nước mình. Cha mẹ có nói 1 câu: “các con ra Bắc học, ra thăm Bác Hồ thì các con ráng cầm về ít muối của Bác Hồ về đây cho dân, cho quê hương mình”. Khi ra Bắc rồi, mình thấy ăn uống sung sướng, mình nghĩ đến quê hương mình, nghĩ đến cha mẹ mình ở nhà cực khổ, cho nên từ đó mình quyết tâm học dù khó khăn đến mấy”.

Có thể nói, sâu thẳm trong mỗi người cán bộ đi B, luôn có những tình cảm, kỷ niệm rất xúc động. Họ chính là tấm gương sáng về lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần phấn đấu, hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc.

Tấn Thành – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *