(kontumtv.vn)- Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập hiện nay, người tiêu dùng đang có rất nhiều lựa chọn cho mỗi loại sản phẩm. Để tránh mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang thực sự là thách thức lớn và vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào cả bên cung cấp sản phẩm và người tiêu dùng.

quoctentd

Người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được nhiều thông tin về các mặt hàng thiết yếu.

Theo một chủ hàng trái cây gần Trung tâm Thương mại thành phố Kon Tum cho biết, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ hàng ngàn kg trái cây được nhập từ các tỉnh, thành trong nước và từ nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan.v.v. Là sản phẩm khá đặc thù nên đa phần các loại trái cây thường chỉ đóng gói thành thùng và không có tem, nhãn mác hay hạn sử dụng. Để đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng, những người đến mua đều được chủ cửa hàng chia sẻ về nguồn gốc, chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Bảy, chủ cửa hàng trái cây cho biết: Nguồn gốc của hàng trái cây tôi là từ Sài Gòn về, một ít là của Mỹ, Trung Quốc. Người tiêu dùng mua thì tôi nói thật, trái cây Trung Quốc hay Việt Nam tôi  nói rõ cho người tiêu dùng biết để lựa chọn.

 Chị Hoàng Thị Thùy Linh, một khách hàng chia sẻ: Khi mua hàng thì mình cũng hỏi là loại này xuất xứ từ đâu, tiêu chí mình lựa chọn là những trái cây tươi ngon nhất. Còn người bán hàng nói là ở Sài Gòn hay ở đâu đó thì mình tin là vậy chứ không biết thực tế là ở đâu, ăn không bị làm sao là biết là an toàn thôi.

Từ việc tuyên truyền, nâng cao ý thức đến người dân và các tổ chức kinh doanh, hầu hết các sản phẩm được buôn bán tại các siêu thị, chợ, cửa hàng uy tín đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng nên rất thuận lợi để người tiêu dùng lựa chọn, đồng thời, số lượng người tiêu dùng quan tâm đến nhãn mác, xuất xứ cũng như các thông số sản phẩm đã dần được nâng lên. Chị Lâm Thi Điệp, người dân huyện Sa Thầy cho biết: Mình đi mua hàng thì thường coi hạn sử dụng, rồi mình cũng xem những mặt hàng thường phổ biến trên đài truyền hình, báo chí, nếu sản phẩm nào nói cần đề phòng thì mình sẽ đề phòng.

 Ông Phạm Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Kon Tum cho biết về việc  đảm bảo chất lượng hàng hóa ở đây: Việc đầu tiên mình phải đảm bảo đầu vào, các nhà cung cấp phải có cam kết về chất lượng và công bố chất lượng theo quy định của pháp luật, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đối với trường hợp sơ suất xảy ra, như hàng hóa bị trục trặc về chất lượng, thì đơn vị cũng có trách nhiệm đứng ra giải quyết, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên trong thực tế, việc xem hạn sử dụng và cách sử dụng sản phẩm vẫn chưa là thói quen của đại bộ phận người dân. Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về nhãn mác, xuất xứ, chất lượng sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, đây cũng chính là nơi để các hàng kém chất lượng dễ xâm nhập và tiêu thụ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng là rất quan trọng, góp phần hạn chế gian lận trong thương mại và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

 

Tấn Thành – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *