(kontumtv.vn) – Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2013, thay thế cho Hiến pháp năm 1992. Về cơ bản, hiến pháp năm 2013 lấy nền tảng từ các hiến pháp cũ và có những nét mới  nhằm phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều. Hiến pháp 2013 được đánh giá là bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Đáng chú ý, Hiến pháp 2013 đã làm rõ hơn về chế độ và chủ quyền của đất nước, khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp”, khẳng định nguyên tắc: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 4 đã nhấn mạnh: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu như quyết định không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm.

Hien Phap

 Ông Nguyễn Huỳnh, Trưởng Ban liên lạc Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum ghi nhận: “Trước hết bản Hiến pháp 2013 có những đổi mới và có thay đổi phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội nước ta hiện nay, nó thể hiện rõ vai trò Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, quyền làm chủ của nhân dân được đề cao hơn, nhân dân có quyền hạn do Hiến pháp quy định và được Hiến pháp bảo vệ. Thứ hai là quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất nước cũng như đối với toàn dân, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước những công việc của mình”.

 “Có thể nói đây là bản Hiến pháp tập trung được trí tuệ của toàn dân, dân chủ rộng rãi, nhân dân đóng góp có trách nhiệm vào các nội dung của bản Hiến pháp để chúng ta có một bản Hiến pháp lần này với 11 chương, 120 điều. Đây là bản Hiến pháp thể hiện rất rõ sự tiến bộ về mặt kỹ thuật cũng như nội dung lập pháp, mang tính chất ổn định, lâu dài, định hướng quản lý lãnh đạo đất nước trong suốt một thời kỳ ổn định và phù hợp với điều kiện phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt bản Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, trong đó điểm nổi bật là đã đặt đúng mức vấn đề quyền con người và các cơ chế pháp luật để đảm bảo quyền con người, phát huy một cách đầy đủ quyền con người gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, thể hiện rất rõ trong bản Hiến pháp lần này”. Ông Ngô Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đánh giá.

Hiến pháp 2013 cũng đã làm rõ các chính sách, mục tiêu cơ bản để phát triển đất nước bền vững theo hướng bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới, đồng thời Hiến pháp đã xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách, các quyền công dân và quyền con người. Với những điểm mới quan trọng này, việc tuyên truyền và thi hành Hiến pháp năm 2013 đang được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong giai đoạn hiện nay.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *