((kontumtv.vn) – Trong năm 2014, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, ngành Công Thương Kon Tum đã vượt khó hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch trong năm.

Với tinh thần khẩn trương, nỗ lực vượt khó, sau 7 tháng đầu tư xây dựng, tháng 9/2014, Nhà máy Tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà đã chính thức đi vào hoạt động tại Cụm Công nghiệp Đăk Mar, huyện Đăk Hà, đúng thời vụ thu hoạch sắn, đảm bảo sản xuất ngay trong năm. Sau khi đưa vào hoạt động, ngoài việc tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, Nhà máy còn góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ nguồn nông sản cho nông dân, tạo sự cạnh tranh giá cả tích cực trên thị trường. Ông Trần Minh Thường, Quản đốc Nhà máy cho biết: “Nhà máy chế biến tinh bột sắn chúng tôi đã đạt được công suất thiết kế giai đoạn 1 là 130 tấn/ngày và sau đó Nhà máy sẽ hoàn thiện phần còn lại để nâng công suất lên 300 tấn/ngày đêm. Nhà máy mở ra cũng ưu tiên hàng đầu cho bà con nông dân được tiêu thụ sản phẩm của mình đúng với giá thị thực của giá trị hàng hóa”.

Nhà máy Tinh btj săn sTây Nguyên - Đak Hà
Nhà máy Tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà

Tại Nhà máy Thủy điện Plei Krông, trong năm qua, với điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nước tương đối ổn định, đơn vị đã bố trí phương thức vận hành phù hợp, khai thác có hiệu quả nguồn thủy văn về nhà máy, đảm bảo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao. Ông Đinh Viết Thiện, Quản đốc Phân xưởng vận hành Thủy điện Plei Krông nói: “Năm nay thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Nhà máy về mặt sản lượng là 348 triệu KWh. Đến thời điểm hiện tại thì cũng đã sản xuất được 467 triệu KWh, vượt kế hoạch so với EVN giao  134%. Về các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt. Tỷ lệ điện tiêu dùng cũng thấp hơn chỉ tiêu Tập đoàn giao”.

Bên cạnh những thuận lợi, trong năm 2014, tình hình kinh tế thế giới, trong nước cũng như trong tỉnh vẫn còn những khó khăn,  ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng cơ cấu cao của tỉnh đã giảm mạnh so cùng kỳ, như chế biến cao su, sản xuất gỗ xuất khẩu, chế biến đường…, nhưng với sự cố gắng nỗ lực, ngành Công Thương trong năm qua đã tập trung đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, bộ, ngành Trung ương, tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp của tỉnh; đôn đốc các dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới trong sản xuất công nghiệp, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao. Ông Võ Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “ Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp, theo giá so sánh năm 2010, ước đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và vượt 13% so với kế hoạch. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ ước đạt 10.590 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ là 25% và vượt 26% kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 5.02% so với cùng kỳ và thấp hơn bình quân của cả nước”.

Đặc biệt, trong năm 2014, tình hình đầu tư, phát triển ngành tiếp tục được quan tâm. Tổng vốn đầu tư phát triển ngành trong năm ước đạt gần 855 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho chế biến khoáng sản trên 7 tỷ đồng; đầu tư chế biến nông lâm sản trên 90 tỷ đồng, đầu tư phát triển thủy điện 350 tỷ đồng và đầu tư phát triển lưới điện trên 400 tỷ đồng. Trong đó có những công trình mang ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như Trạm biến áp 220KV Kon Tum và đường dây 220KV Pleiku – Kon Tum để cải tạo, nâng cấp lưới điện của tỉnh.

Trong năm qua, ngành Công Thương Kon Tum còn triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán và đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn không tính lãi để dự trữ các mặt hàng thiết yếu và các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tạo cơ hội và điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu hàng Việt về vùng nông thôn. Kết quả trong năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đưa 26 chuyến hàng Việt lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa tại 08 huyện trong tỉnh, với tổng doanh thu trên 550 triệu đồng, góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường cũng đạt nhiều kết quả. Trong năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia phiên chợ hàng Việt tại các huyện biên giới Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Glei,  quảng bá hình ảnh và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Trong năm Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra gần 2.000 vụ việc. Qua đó đã phát hiện và xử phạt 750 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng có giá trị ước tính trên 100 triệu đồng. Đặc biệt trong thời điểm cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhằm hạn chế việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng cũng như các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá trong dịp Tết và các chương trình kế hoạch trong năm 2015, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ngày từ đầu năm mới.

Năm 2014 đã khép lại, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với những thành tựu mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm qua đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh; là nguồn động viên to lớn để toàn ngành tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch trong năm 2015, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh và kế hoạch 5 năm 2010 – 2015, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *