(kontumtv.vn) – Là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, để đáp ứng với xu thế hội nhập và phát triển, chuẩn bị cho việc thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào cuối năm 2015, thời gian qua ngành Công Thương Kon Tum đã có nhiều cố gắng, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng hợp tác, giao thương, đổi mới công tác quản lý, chuẩn bị tư thế hội nhập với thị trường chung các nước ASEAN.

Đón bắt xu hướng phát triển của thị trường vật liệu xây dựng, đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường, cuối năm 2014, Công ty Cổ phần Tân Hưng đã tiên phong đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, với công suất ban đầu 9 triệu viên một năm. Trong quá trình đầu tư, Công ty nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ tích cực của tỉnh và các ngành chuyên môn. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Hưng nói: “Trong quá trình đầu tư, Công ty rất vui mừng được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công Thương. Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của tỉnh cũng hỗ trợ cho đơn vị trong vấn đề vay vốn với lãi suất 0% trong thời gian 3 năm. Chúng tôi rất cảm ơn sự đồng hành của các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước, UBND tỉnh trong thời gian vừa qua”.

Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, không những đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn theo lộ trình quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ, tạo ra sản phẩm mới cho tỉnh mà còn góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của ngành. Ngoài việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn phát triển công nghiệp chế biến với tiêu thụ nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị trên địa bàn, để đáp ứng với nhu cầu phát triển và hội nhập, trong thời gian gần đây, ngành Công Thương Kon Tum đặc biệt chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường. Từ chỗ không có, đến nay nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Kon Tum đã ra đời như Cà phê Đăk Hà, Tinh bột sắn Đăk Tô, Đường Kon Tum, Rượu sâm Ngọc Linh, Rượu vang sim rừng Măng Đen… Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn, doanh nghiệp sản xuất rượu vang sim rừng Măng Đen tại Kon Plông cho biết: “Vừa rồi tỉnh và Sở Công Thương có hỗ trợ về xây dựng trang web để phát triển sản phẩm, quảng bá và hỗ trợ thêm một số máy móc.  Sở Công Thương cũng đang làm đề án hỗ trợ thêm một số máy móc cho Công ty”.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Kon Tum đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế và khu vực, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả. Các sản phẩm của Kon Tum đã được người tiêu dùng trong nước biết đến. Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc hệ thống Siêu thị Tiến Sơn, An Giang nói: “Khi đến đây tôi có xem qua một vài sản phẩm của Kon Tum, tôi rất tâm đắc. Mục tiêu của tôi tới Kon Tum là tìm những dòng sản phẩm mang tính chất đặc trưng của vùng để hình thành đặc sản vùng trong một tương lai ở siêu thị. Hàng hóa của Kon Tum mang nét đặc thù của tính địa phương rất cao. Đây là điều tôi nghĩ trong kinh doanh là cái chúng ta cần phải khai thác và cần tôn tạo nhiều hơn”.

Về công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian gần đây, ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Đối với ngành, đã mạnh dạn vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương để tham mưu cho địa phương ban hành một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại. Chúng tôi cũng đã tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm; làm tốt công tác cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp”.

Từ sự quan tâm của tỉnh, của ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực chủ động mở rộng qui mô sản xuất, đổi mới công tác quản lý, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm
Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm

Cùng với việc hội nhập kinh tế toàn cầu, cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến được thành lập với mục tiêu hướng tới tạo dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Đây là một cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum nói riêng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong tỉnh trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực, vì hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều có qui mô nhỏ. Để các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển, ông Võ Xuân Sơn khuyến cáo: “Các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, không chủ quan và cũng không buông xuôi, mà phải có hành động cụ thể, thiết thực. Thứ nhất là phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh. Thứ hai là phải xác định được chiến lược sản xuất, mà cụ thể là chiến lược sản phẩm. Một mặt là bằng các giải pháp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và phải tổ chức lại hệ thống phân phối. Trước mắt là giữ được thị phần trong nước và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để dần dần vươn ra thị trường trong khu vực”.

Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Các lĩnh vực hợp tác để chuẩn bị hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến sẽ bao trùm lên nhiều lĩnh vực, trong đó có 12 ngành công nghiệp được ưu tiên hội nhập gồm các sản phẩm từ nông nghiệp, vận tải hàng không, ô tô, điện tử, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may và may mặc, du lịch, các sản phẩm gỗ, dịch vụ logistics và thực phẩm nông lâm sản. Mở rộng hợp tác, chủ động hội nhập đang là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương đang hướng đến, nhằm nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường tốc độ tăng trưởng của ngành.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *