(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum đã không ngừng phát triển cả về quy mô, mạng lưới hoạt động và chất lượng dịch vụ ngân hàng. Thông qua các chính sách tín dụng, chính sách an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Được thành lập và đi vào hoạt động tại địa bàn tỉnh Kon Tum vào năm 2009, với quy mô ban đầu chỉ một hội sở chính, đến nay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Kon Tum (Sacombank) đã phát triển lên 4 phòng giao dịch và một hội sở chính. Nguồn vốn huy động ngày đầu thành lập chỉ 50 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên hơn 950 tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nguồn vốn cho khách hàng vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ông Hồ Văn Huyên, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Kon Tum cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, số dư cho vay của chúng tôi khoảng chừng 750 tỷ đồng, trong đó 80% là các hộ nông dân. Mục tiêu chúng tôi là phân khúc ở thị trường bán lẻ, là thị trường hỗ trợ các hộ nông dân. Trên tinh thần chúng tôi là làm nhanh, mau lẹ để giải quyết nhu cầu vay vốn của người dân, góp phần vào tăng trưởng kinh doanh của khách hàng”.

Agribank Kon Tum
Agribank Kon Tum

Với 2 chi nhánh ngân hàng hoạt động sau ngày thành lập lại tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 8 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần, 5 quỹ tín dụng nhân dân. Trong những năm qua, bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển kinh tế – xã hôi của địa phương, ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo. Tính đến năm 2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2013; tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013. Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Kon Tum nói: “ Về hoạt động ngành Ngân hàng trong những năm qua thì phải nói là có bước phát triển tương đối tốt trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Huy động vốn trên địa bàn tăng khá tốt, bình quân trong 3 năm vừa qua mức tăng trưởng vốn từ 15 cho đến 18%, trong khi tăng trưởng chung trong toàn hệ thống cả nước chỉ đạt từ 14 đến 15%. Trên cơ sở vốn huy động đã đáp ứng được nguồn vốn để đầu tư tín dụng cho vay trên địa bàn. Mặc dù Kon Tum là một tỉnh nhỏ, vốn huy động chỉ cân đối được 50% cho vay, nhưng tốc độ đầu tư tín dụng trên địa bàn chúng ta đạt mức tương đối khá, tăng trưởng bình quân về dư nợ đạt 14 đến 16% mức bình quân, trong khi cả nước tăng trưởng tín dụng bình quân 13%/ năm”.

Đặc biệt trong những năm qua, ngành ngân hàng tỉnh chú trọng các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như hạ lãi suất cho vay, chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp… Riêng trong năm 2014, thông qua chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã ký kết với 215 doanh nghiệp, trong đó 17 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ hơn 1.470 tỷ đồng, 197 doanh nghiệp ký kết hợp đồng tín dụng mới với tổng giá trị gần 2.900 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn tập trung cho vay theo các chương trình dành cho nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển kinh tế.

Song song với các hoạt động tín dụng, ngành Ngân hàng tỉnh còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ông Hoàng Minh Tân cho biết: “Hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn được các ngân hàng đặt lên vị trí, vai trò hết sức quan trọng, đây là thể hiện sự đồng hành của ngân hàng đối với bà con cũng như đối với các hoạt động trên địa bàn nói chung. Các ngân hàng đều có chương trình riêng, nhưng tập trung vào 3 mảng lớn, đó là giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo. Ba chương trình này tập trung khá lớn, tổng cộng 3 năm gần đây các ngân hàng đã đóng góp trên 190 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội”.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian đến ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện chính sách tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày một phát triển.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *