(kontumtv.vn) – Ngành Tư pháp có  vai trò quan trọng trong xã hội, không những bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quản lý nhà nước bằng pháp luật  một cách hiệu quả.

Năm 2012, hơn 1.000 người dân di cư tự do sống dọc biên giới 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei không quốc tịch đã được Chủ tịch nước trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, giải quyết dứt điểm tình trạng người di cư tự do không có quốc tịch, đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên giới, giúp những người di cư tự do có được cuộc sống ổn định. Đó là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của ngành Tư pháp tỉnh Kon Tum cùng các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện. Anh A Thia (thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) nói: “Khi được nhập quốc tịch Việt Nam rồi thì làm cái khai sinh, đưa con cái đi học hết, một đứa học lớp 2, một đứa học mẫu giáo”.

Trợ giúp pháp lý cho người dân
Trợ giúp pháp luật cho người dân

Ngành Tư pháp tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương rà soát, đề xuất cho những người dân di cư vừa được nhập quốc tịch được hưởng các chế độ chính sách, hòa nhập cộng đồng. Ông Trần Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon  Tum cho biết: “Bà con ổn định  cư trú rồi thì làm ăn, sinh sống, kinh tế – xã hội  phát triển, học hành, y tế, bảo hiểm phát triển, rồi đăng ký sở hữu xe, công cụ phương tiện lao động sản xuất được tăng cường rõ rệt. Bà con được thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng sâu, vùng xa cũng như người đồng bào DTTS nói chung”.

Trong công tác công chứng, chứng thực đã giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và không để xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai sâu rộng trong các đơn vị, địa phương.

Đối với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong 5 năm qua, Sở Tư pháp tỉnh đã thụ lý hơn 3.160 trường hợp, đã cấp cho hơn 3.000 trường hợp; lập hồ sơ chuyển Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hơn 2.200 trường hợp.

Riêng công tác hộ tịch, đơn vị không ngừng phối hợp với các ngành tuyên truyền về pháp luật hộ tịch để cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị cũng như nhân dân trên địa bàn tỉnh thay đổi và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và mục đích của công tác hộ tịch. Ông Trần Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nói: “ Công tác tư pháp góp phần quan trọng trong việc hình thành và duy trì, phát triển các quan hệ xã hội cần thiết trong đời sống riêng tư hàng ngày. Để triển khai pháp luật  về hộ tịch thì chúng tôi cũng đã phối hợp cùng với các ngành liên quan và các huyện, thành phố giúp cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các ngành có liên quan về vấn đề hộ tịch”.

Công tác tư pháp được quan tâm sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân rất thuận lợi trong các quan hệ xã hội, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

                                                                         Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *