(kontumtv.vn) – Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh sởi đã lây lan ra diện rộng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, nhằm ngăn chặn để bệnh sởi không  bùng phát thành dịch tại địa phương.

 Hiện nay, ngoài việc bố trí khu cách ly, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã có những kế hoạch cụ thể  nhằm ứng phó nếu dịch sởi xảy ra. Bác sỹ CK II Phạm Bá Đà,  Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “ Bệnh viện Đa khoa đã chuẩn bị rất kỹ càng với các kế hoạch đóng khu cách ly. Chúng tôi đặt mạnh vấn đề cách ly, chuẩn bị điều trị các biến chứng của sởi nếu có xảy ra. Bệnh viện tập trung điều trị sởi ở khoa Y học nhiệt đới. Những trường hợp nhi mà nhỏ tuổi quá, có xu hướng nặng thì hội chẩn để thống nhất cách ly điều trị như thế nào”.         

Tính đến thời điểm hiện  tại, toàn tỉnh ghi nhận có 14 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 6 ca được xác định dương tính  bệnh sởi. Tất cả các ca bệnh sởi  đều được cách ly điều trị tại các cơ sở y tế. Nhằm  ngăn chặn, không để  bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, ngay từ giữa cuối tháng 3 năm 2014, công tác tiêm vét vắc xin bệnh sởi đã được tăng cường thực hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. “Hiện nay Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh không tổ chức tiêm phòng vắc xin sởi theo nhu cầu của người dân mà đơn vị đã triển khai cấp vắc xin cho các trung tâm y tế huyện, thành phố để triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các trạm y tế xã, và trong đợt này đơn vị đã triển khai chiến dịch  tiêm vét vắc xin sởi cho các cháu từ 9 đến 24 tháng tuổi”. Bác sỹ Y Đưk,  Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng  tỉnh nói.

y te

Chăm sóc bệnh nhi sởi tại Bệnh viện Đa khoa KonTum

So với các tỉnh, thành trên cả nước, số ca nhiễm sởi trên địa bàn tỉnh Kon Tum rất thấp. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong việc chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng chống của ngành Y tế tỉnh. Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Về công tác chủ động phòng chống dịch thì Sở Y tế đã triển khai  chiến dịch tiêm véc vắc xin sởi cho trẻ  từ 9-24 tháng tuổi, kết quả đến hiện nay đã có trên  87 %  trẻ thiếu mũi 1 hoặc 2 mũi đã được tiêm đúng quy định. Thứ hai là đã tổ chức  giám sát và tiêu độc khử trùng cho các hộ gia đình có trẻ mắc bệnh sởi. Thứ ba  Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe  và các Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở huyện đẩy mạnh công tác truyền thông trong phòng chống dịch sởi”.

Ngành Y tế cho biết,  bệnh sởi năm 2014 có một số điểm đặc biệt nguy hiểm: Trẻ thường mắc là lứa tuổi dưới 9 tháng tuổi, thuộc diện chưa tiêm phòng vắc xin sởi, nhanh đi vào tình trạng suy hô hấp và tử vong, đáng sợ là có nhiều trường hợp sau khi xuất viện đã xuất hiện viêm phổi nặng và tử vong. Do vậy, việc chủ động ngăn ngừa bệnh sởi là điều rất cần thiết. Thạc sỹ – Bác sỹ Đào Duy Khánh cho biết kế hoạch phòng chống dịch sởi của tỉnh hiện nay: “Thứ nhất tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường mắc bệnh sởi, tổ chức cách ly và xử trí triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Thứ hai chỉ đạo cho Trung tâm Y tế các huyện thực hiện  tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 -24 tháng tuổi đạt mục tiêu trên 95%. Thứ ba là tổ chức điều trị  thu dung trẻ mắc sởi ngay tại tuyến cơ sở,  tránh trường hợp chuyển bệnh nhân lên tuyến trên lây lan ra diện rộng, đồng thời các nơi có tuyến điều trị tổ chức thu dung điều trị cách ly để tránh lây chéo trong bệnh viện. Tiếp tục rà soát thuốc, vật tư để phục vụ tốt công tác chống dịch”.

Để phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ có con em diện chưa tiêm vắc xin nên đưa trẻ đến Trạm Y tế để được tiêm vắc xin sởi. Trong trường hợp con em mắc sởi nên đưa đến cơ sở Y tế tuyến gần nhất để được cách ly, điều trị kịp thời.

                                                                      Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *