(kontumtv.vn) – Phấn đấu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người /100.000 dân và hướng tới mục tiêu để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao, trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao và bệnh lao đa kháng thuốc được ngành Y tế  tỉnh Kon Tum chú trọng thực hiện.

Nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc lao, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tập trung củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ bệnh nhân lao điều trị tại cộng đồng; cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác điều trị và chẩn đoán bệnh lao tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời mở rộng xét nghiệm chẩn đoán lao kháng thuốc cho các nhóm bệnh nhân có nguy cơ kháng thuốc cao bằng kỹ thuật chẩn đoán hiện đại Gene Xpert. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum nói: “Hiện nay tỉnh đang triển khai 102/102 xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống bệnh lao, cũng như bố trí nhân lực tham gia công tác phòng chống bệnh lao rất phù hợp; củng cố được mạng lưới phòng chống lao từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã”.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao tại cộng đồng
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao tại cộng đồng

Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống lao đến 100% xã, phường, thị trấn, nên số bệnh nhân lao phát hiện hàng năm ổn định; không xảy ra hiện tượng tăng hoặc giảm đột biến, tỷ lệ điều trị thành công đạt cao. Tính từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, ngành Y tế đã phát hiện khoảng 300 trường hợp mắc lao mới và tỷ lệ điều trị thành công luôn ở mức trên 96%. Hiện nay, bệnh nhân lao kháng đa thuốc trên địa bàn tỉnh có 03 trường hợp, 01 trường  hợp đã hoàn thành điều trị. Ông Phạm Thanh Hải, bệnh nhân thôn Kon Sơ Lam 1 (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) nói: “Qua 2 tháng thì thấy là đỡ, ho nhưng ít, rất là đỡ. Tôi tiếp tục uống và chích, đến trạm xá không bỏ một ngày nào hết để cho mau lành bệnh”.

“Bác sỹ quan tâm giúp đỡ, động viên thế này, thế kia mình cũng mừng. Họ phát cho thuốc uống thì mình cố gắng uống điều độ, ăn uống hợp lý, cũng phải kiêng cử ăn uống cái này, cái kia, uống thuốc đều đặn. Dặn như thế thì mình uống theo như lời bác sĩ nói, tới tháng thứ 5 mình thấy trong người khỏe”. Chị Y Thes, bệnh nhân thôn Kon Sơ Lam 1 (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết.

Phấn đấu đến hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống 92 người /100.000 người dân và đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người /100.000 người dân, hướng tới mục tiêu để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao theo Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia Phòng chống lao tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; phổ biến kiến thức phòng, chống lao trong nhân dân, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống lao; đẩy mạnh các hoạt động phát hiện thường quy, khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động dựa vào quản lý điều trị các bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân cho biết: “Sẽ củng cố và tăng cường hệ thống xét nghiệm tại tất cả các tuyến, phát triển kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm hiện đại Gene Xpert. Đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở về quản lý chương trình chống lao để đáp ứng chức năng nhiệm vụ. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá hoạt động chống lao tại cơ sở để nâng cao hiệu quả phát hiện, quản lý, điều trị bệnh nhân lao ở các địa phương”.

Để  làm tốt công tác phòng chống bệnh lao, ngoài những giải pháp của ngành Y tế, cần có sự  phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống lao. Đồng thời người dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về bệnh lao để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *