(kontumtv.vn) – Được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm tự hào của mỗi cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đối với gia đình ông Nguyễn Quang Châu và bà Hoàng Thị Nhường (thôn H Mát, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum), đó là niềm tự hào được nhân đôi, bởi cả ông, bà đều cùng góp sức cho chiến dịch lịch sử 60 năm  trước.

Ông Nguyễn Quang Châu quê xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Đi bộ đội vào tháng 3 năm 1953, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là lính thông tin của Sư đoàn 304. Công việc chính của ông là dịch mật mã và sử dụng bộ đàm để thông tin chỉ đạo của các cấp chỉ huy xuống đơn vị, cơ sở. “Người bạn đồng hành” thân thiết của ông thời ấy là chiếc máy bộ đàm cũ hiệu BC 1000 –  một chiến lợi phẩm mà quân ta thu được từ lính Pháp. Tuy không  vất vả, nhọc nhằn bằng dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong và phải đối mặt với  những gian nan, hiểm nguy như bộ đội trực tiếp chiến đấu, nhưng lính thông tin các ông cũng chịu nhiều khó khăn, thử thách. Ở trong hầm, nhiều khi mưa dầm, nước ngập ngang người. Người ướt thì chịu được, chứ máy móc thì luôn phải giữ cho khô ráo, an toàn. Những khi qua sông qua suối, phải làm một cái bè nhỏ, để tất cả máy móc dụng cụ lên đó, còn anh em thì lội nước đẩy đi. 60 năm đã trôi qua, ông còn nhớ rõ kỷ niệm lần phối hợp tham gia  trận đánh  trên Đồi A1 của Trung đội thông tin. Ông nhowes lại: “Đồi A1 thì riêng Trung đội  chỉ có 6 người, trong đó chỉ có 3 cái máy, kết hợp với 312 nữa. 312 của anh Chu Văn Mùi đấy. Chu Văn Mùi cũng được 6 người, 3 máy. Lên chiếm lĩnh trận địa trên đó, sau bị phản công lại, nói chung là ta cũng mất mát nhiều, vũ khí không có, mỗi người thông tin chỉ 2 quả lựu đạn, đưa lại tập trung, ông Mùi chống lại  hơn 1 đại đội”.

Gặp gia đình chiến sỹ Điện Biên
Gặp gia đình chiến sỹ Điện Biên ông Nguyễn Quang Châu và bà Hoàng Thị Nhường

Trước khi đi Điện Biên Phủ, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Châu biết một cô gái tên là Hoàng Thị Nhường ở cùng xóm Phượng Đình. Khi ông Châu đi bộ đội thì bà Nhường cũng vào thanh niên xung phong. Tháng 3 năm 1953, Đại đội TNXP của bà lên Suối Rút (Hòa Bình), làm đường từ Suối Rút lên Điện Biên, đồng thời đảm nhận việc tu bổ, sửa chữa đường sá, phục vụ dân công, bộ đội. Đêm ở lán, ngày làm đường, mỗi ngày chỉ hai nắm cơm với muối và rau rừng, nhưng sức trẻ của các nam nữ TNXP đã vượt lên thiếu thốn. “Lệnh ra thì tất cả ai cũng phải đi. Trừ ốm đau ra là thôi. Một lớp thì đi chặt, dọn cây, quăng hai bên bờ, lớp thì lấy cuốc xẻng, làm đường cho kịp, có dân công đi, rồi xe thồ đi, có cả ô tô đi nữa. Nhưng chủ yếu đi bộ, đại  đa số thì xe thồ”. Bà Nhường kể.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường trở về, ông Nguyễn Quang Châu tình cờ gặp người bạn gái cùng xóm. Gặp thoáng qua, nhưng đó là duyên tái ngộ để ông bà kết tóc xe tơ. Bà Nhường nhớ lại: “Sau giải phóng, tập thể cho về. Khi đó, về  mới tìm hiểu kỹ càng. Khi đó mới nói chuyện hai gia đình, báo cáo hai gia đình rồi  cưới luôn. Khi đó là năm 1956…”.

58 năm gắn bó, ông Châu bà Nhường đã có 8 người con. Nghĩa tình  Điện Biên năm xưa là chất keo gắn kết, làm thành sức mạnh tinh thần to lớn   giúp ông bà vượt qua muôn vàn vất vả, khó nhọc, nuôi nấng con cái trưởng thành, tạo lập cuộc sống ổn định. Là gia đình có công gương mẫu, ông bà luôn được chính quyền và người dân  địa phương tin cậy, quý mến.

                                                                                    Nghĩa Hà – Ngọc Chí  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *