(kontumtv.vn) – Tính đến thời điểm 4/3/2014 tỉnh Kon Tum có 4 ổ dịch cúm gia cầm đã qua 21 ngày và không phát sinh thêm ổ dịch gia cầm nào mới. Có thể nói dịch cúm gia cầm ở Kon Tum đã được kiểm soát, khống chế. Song điều đáng nói là hiện nay rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đang đối diện với nguy cơ thua lỗ, chưa có khả năng tái đàn…

saudc

Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng kinh tế do dịch cúm gia cầm H5N1.

Bằng nhiều biện pháp  triển khai tích cực, đến nay về cơ bản dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được dập tắt. Song đối với các hộ chăn nuôi gia cầm là những ngày đầy ắp nỗi lo. Gia cầm dịch bệnh đã bị tiêu hủy, việc tái đàn gia cầm trong lúc này rất khó khăn do cạn kiệt nguồn vốn đầu tư. Đối với những người chăn nuôi gia cầm không bị dịch bệnh thì bị tư thương ép giá vì không tiêu thụ được gia cầm sống và sản phẩm gia cầm.

Trại chăn nuôi của gia đình chị Lê Thị Huệ ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi là điểm bùng phát dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào ngày 26/1, toàn bộ đàn gia cầm 965 con đang trong thời kỳ cho trứng trị giá gần 200 triệu đồng bị tiêu hủy. Thiệt hại về kinh tế quá lớn, đến bây giờ, chị vẫn chưa hết bàng hoàng: Em cũng không hiểu vì sao tự dưng đang nuôi, đang khỏe, đang thu hoạch trứng vậy mà bị dịch. Chiều cho  ăn thì bình thường nhưng sáng mai dậy là thấy bị bệnh. Nếu gia đình tìm được phương hướng làm ăn khác chắc không tái đàn nữa.

Hộ gia đình anh Phan Thanh Nông và chị Võ Thị Luân thuộc tổ dân phố 4, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum cũng là nơi phát sinh ổ dịch. Anh Nông cho biết, phải đầu tư chăn nuôi 6 tháng gà mới đẻ trứng, chi phí cho mỗi con gia cầm từ 130.000 – 140.000 đồng, sau khi bán trứng, trừ các khoản chi phí lãi trên 150.000 đồng/ ngày. Trong số tổng đàn gần 600 con gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy, có một nửa đàn đang cho trứng thu hoạch hàng ngày, tổng thiệt hại của gia đình khoảng 80 triệu đồng. Gia cầm bị tiêu hủy, nguồn thu nhập chính không còn, hiện tại gia đình anh phải đi làm thêm để có tiền trang trải chi tiêu hàng ngày.

Không chỉ các hộ gia đình có gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy mới bị thiệt hại về kinh tế mà ngay cả những hộ chăn nuôi gia cầm không mắc bệnh cũng bị ảnh hưởng, bởi người tiêu dùng quay lưng với gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Lợi dụng dịp này tư thương ép giá, thậm chí sản phẩm không tiêu thụ được, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ.

Theo số liệu của Chi cục thú y tỉnh sau đợt tiêm phòng dịch vừa qua, thành phố Kon Tum có 33 hộ gia đình đăng ký mô hình chăn nuôi với quy mô trang trại với gần 60.000 con gia cầm, chưa kể những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát với quy mô từ vài chục đến 200 con. Tại tổ dân phố 1 phường Duy Tân có đến 10 hộ gia đình chăn nuôi gà sinh sản với tổng đàn khoảng 17.500 con gia cầm. Các hộ ở đây chăn nuôi gia cầm theo mô hình tập trung, nhưng đàn gia cầm được chia thành 2 khu vực rõ ràng, một khu dành cho đàn gia cầm hậu bì, tức là chuẩn bị sinh sản, và 1 khu nhà lồng dành cho đàn gia cầm đã sinh sản. Với mô hình này có thể kiểm soát được chất lượng sinh sản của đàn gà cũng như dễ quản lý, phát hiện khi đàn gia cầm có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi này cần vốn đầu tư rất lớn, do đó, khi có thông tin xuất hiện dịch cúm gia cầm ở Kon Tum, các hộ dân ở đây không khỏi lo lắng. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch cúm ngay từ đầu cho nên các hộ chăn nuôi ở đây không bị thiệt hại về đàn gia cầm, nhưng không vì thế mà kinh tế không bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Đông (Tổ dân phố 1, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) giải bày:  Sau dịch  người dân chăn nuôi chúng tôi bị ảnh hưởng về kinh tế rất nhiều, thứ nhất về trứng thị trường sợ nên không tiêu thụ, giá xuống quá. Còn riêng thị trường gà thịt thì thị trường ngoảnh lung, bởi vì gà thịt bây giờ có những nhà xuất được rồi nhưng  không tiêu thụ được nên những người chăn nuôi gà thịt gặp rất nhiều khó khăn, khả năng là không tái chăn nuôi được.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có từ 700.000 đến 800.000 con. Mỗi khi dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi luôn gánh chịu hậu quả đầu tiên, nhất là tại các hộ chăn nuôi, gia cầm xảy ra dịch bệnh sẽ bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nên tâm lý người tiêu dùng rất e ngại sử dụng gia cầm và những sản phẩm gia cầm, dẫn đến việc tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng và người chăn nuôi gánh chịu mọi thiệt thòi. Để đảm bảo kinh tế không bị ảnh hưởng và không bị thiệt hại về đàn gia cầm, quá trình chăn nuôi các hộ cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc đàn gia cầm và làm tốt công tác phòng dịch. Mặc khác, các hộ chăn nuôi nếu có điều kiện chăn nuôi tập trung nên áp dụng các quy trình chăn nuôi Việt Gap và đăng ký các sản phẩm của mình với cơ quan chuyên môn để có bảo hộ, chứng nhận đối với sản phẩm, là cơ sở để được thị trường chấp nhận. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên liên kết lại hoặc hình thành những tổ hợp tác để đại diện chứng nhận cho sản phẩm của mình, có như vậy khi dịch xảy ra mới phân biệt được sản phẩm nào là an toàn và không an toàn, đó cũng là cách để bảo vệ lợi ích kinh tế cho chính mình.

                                                                  Ngọc Hòa – Duy Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *