(kontumtv.vn) – Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được làm nên từ tinh thần, ý chí và sức mạnh của quân và dân ta. Trong đó, khả năng huy động lực lượng đông đảo đóng góp sức người sức của cho chiến trường mang ý nghĩa to lớn, quyết định thắng lợi. Hòa trong dòng người hăng hái phục vụ chiến dịch ngày ấy, có cựu chiến sĩ quân y Đỗ Văn Giàng, hiện ở tổ dân phố 2, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum.

Đỗ Văn Giàng  sinh năm 1927, quê xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đi bộ đội năm 1947, ông được biên chế vào Đại đội 85, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 88 – Tiền thân của Sư đoàn 308 sau này. Đầu năm 1954, đơn vị ông được lệnh lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân đi bộ hơn nửa tháng, vừa đi vừa học chính trị và huấn luyện, đơn vị qua Lai Châu, Sơn La, lên tập kết ở Mường Thanh. Ông kể: “Tôi nhận nhiệm vụ ở Quân y tiền phương, tức là nhận thương binh chiến đấu ở mặt trận, mang về băng bó. Phục vụ thuốc, đưa về tuyến sau. Nhiệm vụ chính như thế, nhưng mà khổ lắm. Cả một cái suối, quần áo về chất như đống rạ, máu ở quần áo vất xuống suối cứ đỏ như thế, trông thấy rất đau thương. Trong hầm là nơi chăm sóc thương binh, thấy thương binh nằm kêu la, rất cảm động, rất thương tâm”.

QY

Cựu chiến sỹ quân y Đỗ Văn Giàng kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ Mường Thanh đến trận quyết chiến lịch sử trên Đồi A1 là cả quá trình  khó khăn, vất vả, không quản hy sinh, gian khổ để phục vụ chiến trường của những người chiến sĩ và dân công ở Trạm Quân y tiền phương. Điều kiện vô cùng thiếu thốn, song ai cũng cố gắng để cứu sống được nhiều thương binh nhất, cứu chữa anh em thương binh một cách kịp thời nhất. Công tác ở bộ phận này, nên ông Giàng và anh em đồng đội được chứng kiến niềm vui chiến thắng lịch sử  vào chiều ngày 7/5/1954 . “Trước thì ăn uống, đi lại dưới hầm hết, chiến đấu cũng trong hầm. Trong hầm thì đào hào hàm ếch, mắc màn ở trong đấy, vừa ăn vừa đánh, không có ngày có đêm gì cả. Anh em mang cơm ra thì đi dưới hầm ấy, đưa cho mỗi người một nắm cơm là lại đi chỗ khác. Còn có nhiều cái hầm mưa gíó, nước ngập lưng cổ chân, vẫn phải nằm ở dưới để chiến đấu, vất vả, khổ như thế. Khi chiến thắng, khi biết Đờ cát đã đầu hàng, tất cả chiến sỹ từ dưới hầm xông lên. Đầu hàng, đầu hàng rồi! Chúng ta hoan nghênh, hoan nghênh!…” Ông Giàng hào hứng kể.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ là khúc tráng ca về tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta mà còn để lại bài học đáng quý về tinh thần nhân đạo của quân và dân ta đối với tù binh Pháp. Trong vai trò công tác của mình, cựu chiến sĩ Điện Biên Đỗ Văn Giàng còn nhớ mãi: “Sau khi chiến thắng, anh em bộ đội ta mới xuống hầm, mới lôi kéo những thằng còn sống, tù binh của Pháp còn sống thì mang lên để băng bó lại, thay quần áo cho nó, cho ăn uống đàng hoàng. Có những thằng nghiện thuốc, thèm thuốc quá, trông thấy bộ đội mình hút. Nó nằm nó vái lạy thế này. Thế là mình lấy thuốc chia cho mỗi thằng một điếu. Nó vỗ tay. Nó thấy nó sướng quá. Sống mà lại được thế, sướng quá. Nó biết là mình có chính sách nhân đạo. Không những là thay quần áo, băng bó, chữa thuốc cho, mà còn cho ăn, nuôi nấng đàng hoàng , chờ đến ngày giao trả”.

Cùng với chiến thắng huy hoàng, tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt  Nam cũng là nét đẹp nhân văn mà bạn bè thế giới và những người bên kia chiến tuyến ghi nhận, tôn vinh, khâm phục.

                                                                                   Nghĩa Hà – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *