(kontumtv.vn) – Gần 40 năm định cư trên đất Sa Bình, huyện Sa Thầy, cộng đồng người Quảng Ngãi đã phát huy tinh thần kiên cường, vượt khó để  xây dựng cuộc sống mới trên quê hương thứ hai. Đáng ghi nhận, tuy rời quê hương hàng chục năm, song cộng đồng người Quảng Ngãi luôn gìn giữ phong tục, tập quán và văn hóa đặc trưng của quê nhà.

Gần 40 năm trước, Sa Bình là vùng rừng núi âm u. Giờ đây, vùng đất này đã trở nên trù phú và là nơi sinh sống của hơn 500 hộ dân người Quảng Ngãi. Ông Huỳnh Nghi (thôn Bình an, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) là một trong những người dân Quảng Ngãi đầu tiên khai hoang vùng đất Sa Bình. Dù thời gian đã lùi xa, song ký ức về những ngày ấy vẫn luôn hiện hữu trong tâm khảm của ông:  Lúc đó là tháng 11 năm 1976, thời tiết lạnh, rất khó chịu, nơi đây là rừng le bụi âm u, thanh niên xung phong đã phát dọn để làm trại cho dân ở. Bà con lên đây khoảng 100 hộ, những người ngại khó khăn đã đi nơi khác, số còn lại bám trụ thì làm ăn rất tốt, kiên cường chiến đấu với bệnh tật, với thiên nhiên, thời tiết, chống Phun Rô, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, ở xã Sa Bình có khoảng 500 hộ dân là người Quảng Ngãi, sinh sống tập trung ở 3 thôn Bình An, Bình Trung và  Bình Giang. Phát huy tinh thần kiên cường, đoàn kết, gần 40 năm qua, cộng đồng người Quảng Ngãi luôn giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương thứ hai Kon Tum giàu đẹp. Ông Tôn Long Giang, thôn Bình Trung kể: Cư dân người Quảng Ngãi, gọi là đồng hương, kẻ ít người nhiều giúp nhau mua con heo, nuôi đàn gà, giúp nhau ngày công, chắt chiu góp lại từ những cái nho nhỏ như vậy, đến nay gần như người dân Quảng Ngãi ở đây hết nghèo rồi.

  Bánh tráng là một món ăn đặc trưng của người Quảng Ngãi, đặc biệt những ngày tết, giỗ chạp, tiệc tất niên hay tất cả các cuộc hội ngộ ăn uống đều không thể thiếu món bánh này. Bánh tráng không chỉ đơn thuần là một đặc sản ẩm thực mà còn hàm chứa tín ngưỡng rất riêng và thiêng liêng của người xứ Quảng. Tất cả các mâm cúng giỗ đều phải có bánh tráng, và đặc biệt, trong những ngày tết, bánh tráng là món ăn không thể thiếu ở mỗi gia đình. Chị Phan Thị Tuyết, thôn Bình Trung khẳng định: Quảng Ngãi mình không có cái bánh này là không được, giỗ chạp hay bất cứ tiệc gì cũng phải có cái bánh tráng hết. Năm nào Tết cũng phải làm bánh tráng, dù có khó khăn cũng phải tráng bánh để cúng tổ tiên, ông bà, cho thêm ấm cúng trong ba bữa xuân.

  Cũng như bánh tráng, bánh thuẩn là một trong những món bánh không thể thiếu ở mỗi nhà người dân Quảng trong những ngày Tết. Dù xa quê hương đã lâu, song đây là món ăn luôn in sâu trong tâm khảm của người dân Quảng Ngãi, để rồi họ mãi duy trì hàng chục năm qua, góp phần tạo nên văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân xứ Quảng trên đất Kon Tum. Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Bình Trung cho biết: Đây là món bánh cổ truyền  từ xưa đến bây giờ. Bà vô đây từ năm 1976 đến nay, cứ vào dịp Tết là bà đổ bánh bán, rất nhiều người mua. Nguyên liệu là bột bình tinh, đường, trứng vịt, dầu chuối, bột va ni, đánh lên rồi  đun lửa, đổ thành bánh.

  Là địa phương có gần 50% hộ dân là người Quảng Ngãi sinh sống,  những phiên chợ Tết ở Sa Bình luôn bày bán những món hàng đặc trưng của người dân xứ Quảng, đặc biệt là các loại bánh mứt truyền thống, điều này đã tạo nên hương vị Tết rất đặc trưng ở Sa Bình.

  Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trên quê hương thứ hai, cùng với ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó, cộng đồng người Quảng Ngãi trên đất Sa Bình đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng xã Sa Bình, huyện Sa Thầy ngày càng phát triển. Thời gian qua, bà con đây luôn tiên phong  trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là lực lượng tiên phong trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã sa Bình. Ông Lê Minh Luận, Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình đánh giá: Người Quảng Ngãi ở đây có điểm đặc biệt là họ phát huy được bản chất, truyền thống của quê hương Xứ Quảng anh hùng. Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Sa Bình 2010 – 2015, trong đó tập trung đẩy mạnh  phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, họ là lực lượng nòng cốt nhất trong tổ chức thực hiện, họ luôn xung kích, đi đầu trong xây dựng quê hương mới.

   Vùng đất này không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đã trở thành mảnh đất lành cho những người dân từ Quảng Ngãi lên khai phá, lập nghiệp, họ luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, chung tay góp sức để xây dựng xã Sa Bình, huyện Sa Thầy ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng đất Bắc Tây Nguyên anh hùng.

 

                                                                            Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *