(kontumtv.vn) – Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên tại khu vực khó khăn này.

Một ngày mới của những cô giáo vùng sâu bắt đầu bằng bữa ăn sáng lúc 5h30 với mì tôm. Mỗi người mỗi quê hương khác nhau, mỗi độ tuổi khác nhau, nhưng ở họ đều có niềm đam mê được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Vì vậy, 6 cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông đã tình nguyện sống trong căn phòng nhỏ với diện tích 20 m2 trong suốt quá trình công tác. Vì là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nên điều kiện sống, làm việc của các cô gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cô giáo Hoàng Minh Xuân Tuyền chia sẻ: “Ăn uống không được đầy đủ như ngoài kia, ngày nào cũng một hai món như thế, nhiều lúc không có cái gì ăn. Buổi sáng thì tụi em đa số ăn mì tôm và cháo gói, vì trong đây không có quán nào hết, nhiều lúc chị em thèm tô bún hay tô phở cũng không có”.

“Giải trí vùng khó khăn này thì cũng hạn chế, tụi em không có chỗ để ti vi, sách báo, những thông tin khác ở đây rất thiếu thốn. Do bọn em yêu nghề, yêu trẻ, lấy học sinh làm niềm vui, để vượt qua khó khăn, để giúp các em biết cái chữ”. Cô giáo Đặng Thị Ly nói.

Phòng ở và làm việc của giáo viên
Phòng ở và làm việc của giáo viên

Để có được những bài giảng hay, những kiến thức tốt truyền đạt cho các em học sinh khi đứng trên bục giảng, hàng đêm các cô giáo phải chuẩn bị giáo án trong không gian hết sức chật hẹp. Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Làm thế nào để các em học sinh nắm được bài giảng, hứng thú khi đến trường, đến lớp, làm sao để các em đi học chuyên cần và chất lượng học tập của các em được nâng cao, chính là điều các cô luôn trăn trở. Cô giáo Nông Thị Tuyết, sinh năm 1982, người có thâm niên 10 năm bám trụ tại xã đặc biệt khó khăn này cho biết, người dân Xê Đăng ở đây còn giữ nhiều tục kiêng cử và lễ hội, mỗi dịp như thế bà con thường cho con em nghỉ học. Khi bà con đã kiêng thì không thể vào làng hay đến nhà để vận động học sinh đi học. Cô cho biết: “Để duy trì sĩ số học sinh thì chúng tôi phải nắm được các ngày lễ của các làng, chúng tôi đi vận động trước 2-3 ngày. Từ đó phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học và phụ huynh cho con em đến trường”.

Từ sự nỗ lực của đội ngũ nữ giáo viên nói riêng và tập thể cán bộ giáo viên nói chung, đã góp phần giúp trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Na đảm bảo sĩ số 100%, đảm bảo tỉ lệ chuyên cần trên 98% và chất lượng học tập của gần 340 học sinh người Xê Đăng của trường được nâng cao đáng kể. Không những yêu nghề, bám trường, bám lớp để truyền đạt kiến thức cho học sinh, các cô giáo còn như những người mẹ hiền chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh. Cô giáo Phan Thị Lý tâm sự; “Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu các em giống con cháu trong gia đình, nên chúng tôi chăm sóc các em”.

Vẫn biết, tình nguyện đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn thì các cô giáo được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhưng để sống và làm việc tốt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như những cô giáo ở đây đòi hỏi phải có tình yêu nghề và cả tinh thần chịu thương, chịu khó để giúp cho các em học sinh thân yêu.

Một ngày lại trôi qua, những cô giáo ở xã Đăk Na lại cặm cụi soạn giáo án chuẩn bị bài giảng cho một ngày mới. Những khó khăn, thách thức giờ đã dần quen  và niềm vui đã đến với các cô nhiều hơn khi nhìn thấy các em học sinh thân yêu ngày một tiến bộ.

                                                                    Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *