(kontumtv.vn) – Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, những năm qua Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh  Kon Tum luôn cố gắng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để nâng cao đời sống vật chất cho các cháu. Trung tâm còn chú trọng đảm bảo điều kiện học tập, vui chơi, giúp các cháu  phát triển toàn diện. Nhờ đó, đời sống của trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở Trung tâm từng bước được cải thiện.

Là trẻ mồ côi, 7 năm sinh sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, cháu Y Tấm  nhận thấy cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn. Từ khi Trung tâm chuyển về cơ sở mới, Y Tấm được bố trí ở cùng các bạn như một gia đình. Điều kiện sinh hoạt được cải thiện rất nhiều. Y Tấm kể: “Hồi cháu ở Trung tâm cũ rất là khó khăn, khi chuyển lên đây được các cô chăm sóc rất là sung sướng và vui vẻ. Ngoài ra còn được đi học, cháu được mọi người và các cô quan tâm rất là chu đáo. Lâu lâu được mấy anh chị sinh viên đến đây giao lưu, có cảm giác rất là vui”.

Cũng như Y Tấm, khi cuộc sống được tốt hơn , cháu A Hợi đã tự tin hơn trong mọi hoạt động, không còn tự ti, mặc cảm. Ngoài những lúc học tập, A Hợi đã hòa đồng, vui chơi với bạn bè. Bóng đá là môn thể thao cháu yêu thích. A Hợi chia sẻ: “ Con ở đây 9 năm rồi, khi chuyển lên Ttung tâm mới này thấy cuộc sống của con cải thiện nhiều hơn, chỗ ở đầy đủ hơn và đi học được mấy cô quan tâm nhiều. Khi học về được vui chơi thỏa mái và ăn ngày 3 bữa đầy đủ, ngon”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum hiện chăm sóc 150 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo qui định hiện hành, mức hỗ trợ cho  trẻ mồ côi là 600.000đ/ cháu/ tháng. Trẻ khuyết tật nhẹ được hỗ trợ 850,000đ/ cháu/ tháng. Trẻ khuyết tật nặng  được hỗ trợ 1 triệu đồng/ cháu/ tháng. Mức hỗ trợ cho các cháu còn thấp nên trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách dành cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm  luôn nỗ lực kêu gọi các nguồn hỗ trợ để  nâng cao đời sống cho các cháu. Nhờ đó, các bữa ăn của trẻ ở đây được cải thiện hơn. Những bữa cơm có thêm thức ăn  đã góp phần giúp các cháu phát triển về thể chất. Được sự quan tâm của xã hội chính là động lực để các cháu xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt qua khó khăn để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Bà Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Ttung tâm BTXH tỉnh cho biết: “Bằng nỗ lực của tập thế cán bộ công nhân viên cũng như lãnh đạo đơn vị, đã kêu gọi những tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế để các cháu nâng cao thêm mức sống. Hiện nay Trung tâm đang thực hiện chế độ, mức sinh hoạt phí của các cháu bình quân là khoảng 850.000đ tiền ăn. Còn đối với các cháu khuyết tật thì 1.080.000đ/ tháng. Nhờ đó hiện nay cuộc sống của các cháu cũng cũng tương đối ổn định, các cháu có đủ điều kiện và sức khỏe để học tập và phát triển”.

Trong  số 150 trẻ đang được nuôi dưỡng  tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, có 80 trẻ khuyết tật và 70 trẻ mồ côi. 100% trẻ mồ côi trong độ tuổi đi học đều được Trung tâm liên hệ các trường học trên địa bàn để các cháu theo học từ  bậc tiểu học đến  trung học phổ thông. Ngoài ra, đơn vị còn kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm nhận trợ cấp thường xuyên hoặc trao học bổng để các cháu có điều kiện tiếp tục học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Trẻ khuyết tật
Trẻ khuyết tật học văn hóa tại Trung tâm

Riêng đối với trẻ khuyết tật, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước  và các nguồn tài trợ, Trung tâm không chỉ trang bị nhiều dụng cụ phục hồi chức năng, mà còn hợp đồng nhân viên y tế đảm nhiệm công tác phục hồi chức năng cho trẻ không có khả năng vận động, trẻ bị hạn chế khả năng vận động. Lịch luyện tập phục hồi chức năng được duy trì đều đặn, thường xuyên đã góp phần nâng cao khả năng vận động cho trẻ khuyết tật. Ngoài ra, các lớp học văn hóa dành cho trẻ khuyết tật ở đây vẫn được duy trì đều đặn. Để có thể học xong chương trình tiểu học, những học sinh này phải mất rất nhiều thời gian, 7 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn nữa, nhưng với sự nhiệt tình giảng dạy của các giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Kon Tum, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã nỗ lực duy trì những lớp học này. Đây cũng là cách giúp trẻ khuyết tật ở đây có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Vào các dịp lễ như Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, tết Nguyên đán, Trung tâm được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà. Những món quà nghĩa tình không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn cho các cháu mà còn động viên, khích lệ các cháu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, nỗ lực đáng ghi nhận của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là luôn chú trọng kết nối với các trường học, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh để tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho các cháu.Thông qua hoạt động thiết thực này, trẻ được vui chơi, được tặng quà, có cơ hội bộc bạch niềm vui, nỗi buồn, ước mơ trong cuộc sống. Những niềm vui, nỗi buồn ấy được động viên, chia sẻ kịp thời  giúp cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật có thêm ý chí, nghị lực để vững tin tiếp bước đến tương lai. Bà Phạm Thị Lan cho biết: “Hàng tháng Trung tâm phối hợp với các trường đưa các em học sinh ở các trường về giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các trò chơi, tổ chức các sự kiện về chuyên đề để cho các cháu ở đây được hòa nhập với các trẻ ở cộng đồng, tạo cho các cháu có niềm tin cũng như có sự mạnh dạn hơn trong giao tiếp cững như hòa nhập cộng đồng”.

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, các cháu có những sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cùng nhau vui chơi, vận động, phát triển thể chất, tinh thần. Có thể nhận thấy, với nỗ lực từng bước nâng cao đời sống cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã góp phần quan trọng  vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

                                                              Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *