(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, BHYT đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ có thẻ BHYT, được giảm chi phí trong quá trình khám và điều trị bệnh nên người nghèo đã có cơ hội được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế cao. Tuy vậy,  hiện nay tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp, điều này đã ảnh hưởng  đến việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Hơn một tháng nay, ngày nào bà Đặng Thị Lắm (tổ 14, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cũng đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum để điều trị căn bệnh vẹo cột sống. Căn bệnh này đã  ảnh hưởng đến khả năng vận động 2 chân của bà. Dù phải điều trị dài ngày nhưng vì có thẻ BHYT thuộc diện người có công cách mạng nên bà không phải nộp thêm một khoản tiền nào trong quá trình điều trị. Điều này đã làm cho bà yên tâm để điều  trị bệnh. Bà Lắm chia sẻ: “Ở đây bà nằm cũng hơn một tháng rồi và bà đã hai lần nhập viện, nhưng không mất tiền gì hết. Bác sỹ với y tá ở đây phục vụ rất tốt”.

Cũng như bà Đặng Thị Lắm, nhờ có thẻ BHYT nên hơn 2 tháng qua ông Trịnh Quang Sử (thôn 2, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) đã có điều kiện tập luyện vận động, phòng ngừa teo cơ do bị thoái hóa cột sống tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Ông cảm thấy yên tâm vì gia đình không bị tốn nhiều tiền  cho quá trình điều trị bệnh của ông. Ông nói: “Bệnh tật như thế này nếu tôi không có thẻ BHYT thì việc khám chữa bệnh của tôi sẽ rất khó khăn về kinh tế cho gia đình”.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum

Để người dân địa phương thực sự được  thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ chính sách BHYT,  ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã chú trọng đầu tư  cơ sở, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, từ tuyến tỉnh đến xã, phường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 126 cơ sở thực hiện  khám chữa bệnh BHYT. Trong đó có 2 cơ sở tuyến tỉnh, 22 cơ sở tuyến huyện và tương đương, hơn 100 cơ sở y tế tuyến xã. Nhờ đó, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT  đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh  ngày càng nâng lên. Điều này góp phần tích cực để các cơ sở y tế  trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bác sỹ CKI Đinh Văn Khuê, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết: “ Sau khi triển khai khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là từ năm 2007 đến giờ thì hàng năm lượng bệnh nhân BHYT đến khám chữa bệnh tại đây ngày càng tăng lên, cứ một năm tăng khoảng 10%, đặc biệt là những bệnh mãn tính”.

Theo thống kê của ngành Y tế, năm 2014 có gần 780.000 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT với chi phí khám chữa bệnh hơn 140 tỷ đồng. Nguồn chi phí này  được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán kịp thời cho các cơ sở thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Hiện nay, để thực hiện mục tiêu “Đảm bảo cho tất cả mọi người khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đều được  tiếp cận tối đa các dịch vụ y tế  kỹ thuật tiên tiến”, Sở  Y tế tỉnh đang tập trung  triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, trọng tâm nhất vẫn là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Bác sỹ CKII Trần Ái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nói: “ Chúng tôi chú trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ ở các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt lưu ý, thứ nhất chúng tôi xác định bệnh nhân là trung tâm và làm hài lòng cho người bệnh BHYT là nhiệm vụ của các cơ sở khám chữa bệnh. Thứ hai chúng tôi tập trung đó là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và cử các cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành chuyên sâu để nâng cao chất lượng và phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân’.

Ngày 1/7/2009, Luật BHYT có hiệu lực thi hành đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT. Riêng tại tỉnh Kon Tum, với sự nỗ lực của cơ quan BHXH tỉnh và các ngành liên quan, Luật BHYT đã dần đi vào cuộc sống của người dân địa phương. Đến tháng 5/2015, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm gần 85%, tuy nhiên chỉ có khoảng 25% tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thoi, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum nói: “Để thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân, chúng tôi kiến nghị là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, xã phải vào cuộc thực sự và chỉ đạo để làm sao người dân tham gia BHYT. Cũng kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngoài các hỗ trợ theo qui định của luật cũng cần tìm nguồn để hỗ trợ thêm cho các đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác để có điều kiện tham gia BHYT được nhiều hơn”.

Như vậy, ngoài sự nỗ lực của 2 cơ quan chủ lực là BHXH tỉnh và ngành Y tế, rất cần cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương để tỉnh Kon Tum đạt được mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 88%  dân số trên địa bàn tỉnh  tham gia BHYT.

                                                                           Thanh Tùng – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *