(kontumtv.vn) – Mỗi nạn nhân tai nạn giao thông mất đi đã để lại nhiều mất mát, đau thương cho người thân, gia đình và xã hội. Tai nạn giao thông còn để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với những nạn nhân bị thương tật, di chứng cả cuộc đời.

Ở tuổi 24, lẽ ra anh Lương Anh Tiến có thể tự mình thực hiện những ước mơ, hoài bão của cuộc đời; có thể cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước, nhưng vì tai nạn giao thông đã làm cuộc sống của anh đổi thay tất cả. Năm 20 tuổi, tai nạn giao thông đã làm anh Tiến bị hôn mê sâu, phải điều trị trong nhiều tháng liền tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau bốn năm tích cực điều trị, anh Tiến vẫn chưa tự đi lại được và phát âm rất khó khăn. Hiện anh tiếp tục được gia đình đưa đi  phục hồi chức năng tại Bệnh viện Điều dưỡng, Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum. Chị Lê Thị Quỳnh Vân, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Bệnh nhân Lương Anh Tiến 24 tuổi bị hôn mê cách đây 4 năm, khi vào Bệnh viện chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân liệt nữa người, hiện tại chúng tôi tập luyện để dần phục hồi lại các chức năng bình thường”.

Nỗi đau do tai nạn giao thông
Nỗi đau do tai nạn giao thông

Với chị Nguyễn Thị Ngọc Thạnh (66/3 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum), nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra với gia đình chị là quá lớn. Năm 2001, em chồng của chị là Cao Thị Bích Lan, sinh năm 1975, giáo viên Trường Mầm non thực hành sư phạm Kon Tum qua đời do tai nạn giao thông khi vừa lập gia đình 41 ngày. Nỗi đau này chưa vơi thì ngày 3/4/2009 gia đình chị lại đón nhận hung tin, anh Cao Thành Quang chồng chị, nguyên bí thư Đảng ủy Phường Trường Chinh, nguyên Phó Trưởng Ban Giải tỏa – Đền bù thành phố Kon Tum,  qua đời do tai nạn giao thông. Anh Quang mất đi ở độ tuổi 51, gia đình mất đi người đàn ông trụ cột, cơ quan mất đi người cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Đã hơn 5 năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai với gia đình. Chị Thạnh nói: “Hồi xưa ảnh đi làm về thì bữa cơm có chồng con, cha con quây quần với nhau rất đầm ấm, giờ thì cái đó mất hẳn. Chị có quan điểm con người sống thì phái chấp hành luật lệ gaio thông để hạn chế những mất mát, tổn thương cho những người thân của mình và cho mọi người”.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, bình quân mỗi ngày trong cả nước có 70 vụ tai nạn giao thông, làm 66 người bị thương và 25 người chết. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum bình quân mỗi tháng có 9 vụ tai nạn giao thông làm 9 người bị thương và 8 người chết. Phần lớn những nạn nhân đều nằm trong độ tuổi lao động, là trụ cột của từng gia đình. Vì vậy, mỗi người mất đi do tai nạn giao thông sẽ để lại nỗi đau, sự mất mát vô cùng lớn với gia đình, người thân;  xã hội mất đi một công dân trong độ tuổi có thể cống hiến nhiều cho đất nước.

Để lập lại trật tự an toàn giao thông, để giảm thiểu những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông gây ra, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người tham gia giao thông phải biết tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông. Có như vậy mới giảm được những thiệt hại, mất mát do tai nạn giao thông gây ra.

                                                                   Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *