(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH luôn đồng hành cùng những hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, những nông dân thiếu vốn sản xuất, hộ nghèo, hộ chính sách. Nhờ nguồn vốn này mà nhiều hộ ở huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả, thoát nghèo bền vững, có thu nhập ổn định.

Từ khi Ngân hàng CSXH với Hội Cựu chiến binh huyện ký kết văn bản liên tịch thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã giúp cho trên 2.900 hội viên vay vốn có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2003, các cấp Hội CCB nhận được sự ủy thác 44/48 chương trình tín dụng là hộ nghèo và giải quyết việc làm, với tổng dư nợ 1,5 tỉ đồng. Sau 15 năm hoạt động đã mở rộng cho vay với 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, tổng nguồn vốn lên tới 27 tỉ đồng cho trên 1.200 hộ, hội viên vay vốn. Thời gian qua, các chương trình tín dụng đã được tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chế độ, chính sách; tiền vốn được giao trực tiếp cho các hội viên có nhu cầu vay vốn. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu vào những ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ. Sau 15 năm thực hiện đã giảm tỉ lệ hội viên Hội CCB nghèo của huyện xuống còn 21%. Ông Nông Văn Tường – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Glei nói: “Cho tới nay, đã có 11/12 cơ sở hội có ký kết hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện và đã thành lập được 26 tổ tiết kiệm vay vốn với 920 thành viên, tổng dư nợ cho tới thời điểm hiện tại 27 tỷ. Nhìn chung, các hoạt động cho vay và nhận ủy thác cho vay của Hội CCB đã thực hiện tương đối tốt các quy định theo tinh thần nội dung đã ký kết với Ngân hàng CSXH huyện, sử dụng vốn vay và cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, không có nợ quá hạn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Phát triển cây cao su nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
Phát triển cây cao su nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Qua 15 năm thực hiện, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm thực hiện ủy thác Ngân hàng CSXH, Hội CCB các cấp đã giúp cho nhiều hộ, hội viên CCB thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ/ người/ tháng, giảm tỉ lệ hội viên Hội CCB nghèo xuống còn 21 %. Ông A Phất (làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong) nói: “Đầu tiên tôi vay được 3 triệu, tôi đầu tư vào trồng bời lời, sau này trả Ngân hàng tôi vay tiếp 3 triệu nũa trồng cao su, trả Ngân hàng xong vay thêm 20 triệu để trồng và chăm cà phê. Từ các mô hình trồng bời lời, cà phê cao su, kinh tế gia đình tương đối khá, tổng thu nhập gia đình từ 40 -50 triệu”.

 Năm 2014, nhận được nguồn vốn vay chính sách, ưu đãi dành cho hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng, ông A Đệ (làng Đăk Bo, xã Đăk Kroong) phát triển chăn nuôi bò. Đến nay đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 8 con. Ngoài ra ông còn trồng thêm mì, lúa nước. Đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà cấp 4, đời sống ngày càng ổn định.

Nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành một nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, phấn đấu đạt mục tiêu chung của toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đăk Glei cho biết: “Công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được hiệu quả nhờ Ngân hàng CSXH huyện hàng năm cùng UBND các xã thị trấn xây dựng kế hoạch sát thực tế, nhu cầu người dân để cấp trên phân bổ về. Quá trình triển khai thực hiện đơn vị đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế huyện như thực hiện kinh tế trong địa bàn đầu tư cho có hiệu quả, đồng thời phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác cũng như các cơ quan liên quan tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế. Từ đó người dân vay vốn về để thực hiện phát triển cho có hiệu quả. Hàng năm phân bổ vốn về cho các xã, thị trấn thì Ngân hàng CSXH huyện tham mưu UBND huyện ưu tiên cho các đối tượng chính sách, những người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh có đồng vốn ưu đãi, từ đó phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”.

Nguồn vốn vay ưu đãi là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, các CCB trên địa bàn huyện Đăk Glei có điều kiện phát triển kinh tế, không những xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

                                                                                                                               CTV A Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *