(kontumtv.vn) –Là địa bàn trọng điểm về nuôi cá nước ngọt của tỉnh, hiện nay, ngoài việc khuyến khích các hộ dân tận dụng địa hình để đào ao nuôi cá, huyện Đăk Hà đang đầu tư xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá bằng lồng bè trên các lòng hồ, thủy điện, thủy lợi để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Sau khi được huyện đầu tư  hỗ trợ 50% kinh phí để làm 2 lồng bè và 25.000 con cá giống diêu hồng, gia đình ông Phạm Văn Tụ (thôn 5, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) đã đầu tư làm thêm 4 lồng bè nữa để nuôi cá diêu hồng và cá rô phi đơn tính trên lòng hồ Thủy lợi Đak Uy. Đến nay, 2 lồng cá diêu hồng đầu tiên của huyện hỗ trợ đã được 4 tháng tuổi. Ông Tụ cho biết: Cá diêu hồng này mà nuôi ao thì phát triển kém, chỉ có nuôi lồng và nuôi ở các hồ lớn, nước sạch thì  mới có hiệu quả được. Nuôi khoảng từ 4 đến 5 tháng thì xuất bán, con cá đạt từ 6 đến 7 lạng. Bình quân với giá thị trường hiện tại, từ 40.000 đ đến 45.000 đ/ kg, thì có lời. Còn cá rô phi  nuôi lồng thì kết quả tuyệt vời rồi, so với nuôi ao sẽ rút ngắn thời gian nuôi từ một tháng rưỡi đến hai tháng.

          Với diện tích gần 4.000 ha, điều kiện thời tiết ấm quanh năm, lòng hồ công trình Thủy lợi Đăk Ui, huyện Đăk Hà từ lâu đã nổi tiếng với các loại cá phát triển tự nhiên như cá mè, cá chép, cá trôi, cá lóc. Hiện nay, lòng hồ này đã được gia đình ông Phạm Văn Tụ thuê của Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh trên 55 triệu đồng một năm để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Ông Tụ cho biết công việc nuôi cá trên lòng hồ thời gian qua và kế hoạch sắp tới: Hàng năm tôi đổ ra hồ từ một tấn đến một tấn rưỡi con giống,  đấy là cá thả ra hồ. Còn nuôi cá lồng bây giờ mới có mô hình, tôi mới thí điểm làm,  tôi đang muốn mở rộng, làm thêm từ 10 đến 15 lồng nữa để phát triển kinh tế gia đinh.

Nuoi ca

Nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Đak Uy.

Ngoài lòng hồ Thủy lợi Đăk Ui, hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Hà có diện tích mặt nước khá lớn từ lòng hồ Thủy điện Plei Krông và nhiều hồ, đập thủy lợi, thủy điện khác, với tổng diện tích mặt nước trên 10.000 ha. Việc khai thác diện tích lòng hồ để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đang được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Ông Lê Xuân Sáng, Phó Chủ tịch lâm thời UBND xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết chủ trương của xã: Trên địa bàn xã có nhiều hồ thủy lợi, đặc biệt là hồ Đăk Ui, và một số hồ nhỏ. Với chủ trương phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho dân phát triển, xã khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, đặc biệt là tận dụng các mặt hồ, mặt nước để nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, hiện nay, một số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất cá giống, vừa cung cấp cá giống, thức ăn không tính lãi, vừa thu mua cá thương phẩm, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Ông Nguyễn Hữu Tá, chủ cơ sở cá giống tại thị trấn Đăk Hà chia sẻ: Lúc đầu thì  đưa các nguồn giống ở nơi khác về, cho nên gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay chúng tôi áp dụng khoa học công nghệ cũng như đầu tư các khu ao, hồ để sản xuất và có đầy đủ phương tiện cũng như nhân công có kỹ thuật để làm các con giống tốt, giá cả hợp lý. Chúng tôi cũng đưa khoa học học, kỹ thuật, tư vấn cho người  nuôi và đầu tư con giống, đầu tư thức ăn và thu mua lại sản phẩm cho người dân. Tính theo lợi nhuận so sánh, 01 ha ao hồ,  vừa tưới được nước cà phê, vừa nuôi trông thủy sản, một năm lợi nhuận trên 550 triệu đồng. Chủ công là cá rô phi đơn tính và nuôi ghép cá trắm, cá chép.

Ngoài huyện Đăk Hà, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có trên 20.000 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản và đang tiếp tục được mở rộng khi các công trình thủy điện lớn trên địa bàn tích nước, như Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Đrinh… Đây là tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác để đẩy mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên địa bàn.

      Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *