(kontumtv.vn) – Công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố rất quan trọng, nếu không làm tốt công tác này và để dịch bệnh xảy ra không những làm thiệt hại tài sản người dân mà còn để lại nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi.

Để kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, ngay từ đầu mùa khô công tác tiêm phòng đã được ngành Thú y tỉnh Kon Tum triển khai sâu rộng. Mặc dù rất khó khăn vì địa bàn chăn nuôi không tập trung, có nhiều hộ chỉ nuôi nhỏ lẻ vài ba con, nhưng với quết tâm, các thú y viên cơ sở không quản ngại khó khăn.  Anh Nguyễn Đức, Trưởng Ban Thú y xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum cho biết: “Năm nay Trạm thú y thành phố có chủ trương tiêm sớm, bên thú y cơ sở ở xã được phân công tiêm phòng triển khai và có báo cáo với chính quyền xã thành lập đợt tiêm phòng đợt 1 năm 2015 này, chúng tôi cũng phối hợp với các địa bàn xã khác để đi tiêm phòng cho hiệu quả”.

“Trong việc chăn nuôi, gia đình tôi rất quan tâm phòng chống dịch bệnh, trâu bò tôi dọn chuồng sạch sẽ và tiêm phòng các bệnh. Hằng năm tới kỳ tiêm phòng thì cũng tới tiêm chích đầy đủ”. Bà  Nguyễn Thị Trà (thôn 6, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) nói.

Tiêm phòng cho gia súc
Tiêm phòng cho gia súc

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có gần 70.000 liều vắc xin lở mồm long móng type O&A đã được tiêm phòng cho đàn trâu, bò đợt 1 năm 2015. Đối với vắc xin tiêm định kỳ đã có trên 65.000 liều vắc xin kép được tiêm cho lợn. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát tại các lò giết mổ gia súc luôn được lực lượng thú y các cấp phối hợp nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn không để gia súc, gia cầm bị dịch bệnh đem ra giết mổ. Đồng thời tổ chức lấy mẫu giám sát, tăng cường lực lượng kiểm tra tại các trạm kiểm dịch đầu mối để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y. Bà  Đỗ Thị Kim Giao, Phó trưởng Trạm Thú y thành phố Kon Tum cho biết: “Trạm đã chủ động phối hợp với UBND các xã, phường rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm làm cơ sở để đánh giá tỷ lệ tiêm phòng, đánh giá biến động tổng đàn để từ đó làm kế hoạch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Trạm còn chủ động phối hợp với lực lượng thú y cơ sở, các thôn trưởng, tổ trưởng giám sát dịch bệnh tới các thôn làng, tổ dân phố, từng hộ chăn nuôi để phát hiện và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi”.

Để chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc nói, ngay từ đầu năm Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tiêm phòng công tác lở mồm long móng, công tác khử trùng tiêu độc. Đồng thời triển khai tập huấn về công tác kiểm dịch động vật, phòng chống dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y. Qua đó, đã trang bị cho đội ngũ thú y cơ sở kiến thức chuyên môn để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thý y tỉnh nói: “Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã triển khai công tác tiêm phòng các chương trình về tiêm phòng định kỳ, nhất là dịch tả cho lợn và tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng theo định kỳ hàng năm là 2 đợt. Đến nay đã triển khai tiêm phòng đợt 1, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra”.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang an toàn về các loại dịch bệnh trên đàn gia súc. Tuy nhiên, từ đây cho đến cuối năm, để chủ động ngăn chặn các chủng vi rút nguy hiểm gây bệnh, Chi cục Thú y cần thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, các trạm thú y trực thuộc, đặc biệt là mạng lưới thú y cơ sở các xã vùng sâu vùng xa, những vùng giao thông đi lại khó khăn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch phát sinh và lây lan diện rộng.

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *