Phụ nữ Kon Tum phát huy truyền thống, tích cực rèn luyện phẩm chất Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang
09.03.2015(kontumtv.vn) – Phát huy những truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, thực hiện Đề án 343 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức về bốn phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức cho chị em, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Từng tham gia phong trào “Đội quân tóc dài”, rồi “Phụ nữ 3 đảm đang”, đến nay mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà Huỳnh Thị Trường (khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) vẫn tham gia rất tích cực các phong trào phụ nữ trong khu dân cư, luôn gương mẫu, đi đầu cho các chị em trẻ học tập, noi theo. Từ phong trào thi đua xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đến phong trào 5 không 3 sạch, rồi tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Bà Trường chia sẻ: “Mình giờ lớn tuổi rồi, mình phải gương mẫu, làm tốt các công tác vận động chị em còn nhỏ tuổi hơn tham gia sinh hoạt, hội họp, các phong trào Hội. Nói chung là chị em cũng noi theo, học theo các chị lớn tuổi trước đây đã tham gia phong trào phụ nữ”.
Tại buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Chi hội Phụ nữ khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, ngoài việc triển khai các nội dung công việc trong tháng, việc tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn chị em rèn luyện 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam được Chi hội đặc biệt quan tâm. Qua đó đã giúp cho chị em nâng cao kiến thức, tự tin hơn trong cuộc sống. Chị Đoàn Thị Ninh (khối phố 3, thị trấn Đăk Tô) nói: “Qua các buổi sinh hoạt, các buổi tuyên truyền của Chi hội đã giúp cho bản thân tôi nắm vững được phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, biết chăm lo cho gia đình, phát triển kinh tế, luôn tự tin để giúp cho gia đình ngày càng phát triển hơn trong cuộc sống”.
Tuyên truyền nâng cao kiến thức, phẩm chất đạo đức, lối sống là việc làm thường xuyên lâu nay của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh. Tuy nhiên, sau khi có Đề án 343 của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010-2015, công tác tuyên truyền đã được các cấp Hội tổ chức một cách có hệ thống, có kế hoạch cụ thể và có sự phối kết hợp đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Chị Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đăk Tô cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chỉ đạo trực tiếp đến các chi hội. Hiện tại, Phụ nữ thị trấn có 12 chi hội thì chúng tôi đã có kế hoạch triển khai trực tiếp để tuyên truyền cho chị em nắm bắt được Đề án 343, đó là giáo dục phẩm chất cho phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Sau khi được tuyên truyền đến 100% cán bộ, hội viên phụ nữ thì chị em cũng đã nhận thức được và làm theo”.
“Hội cũng đã bằng các hình thức như tuyên truyền, vận động chị em thực hiện, rồi hướng dẫn các cơ sở Hội tổ chức các hội thi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đối với cấp huyện thì cũng tổ chức các lớp tập huấn về Đề án 343 để nâng cao cho chị em kiến thức về 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam”. Chị Y Khảm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô nói.
Với cách triển khai đồng bộ, sâu rộng, lồng ghép thường xuyên, liên tục trong các hoạt động của Hội, đến nay Đề án 343 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được chị em phụ nữ trong tỉnh tiếp nhận, học tập, rèn luyện, làm theo và đã có tác động rất lớn đến trình độ, năng lực, việc làm của đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ. Bà Siu Hbia, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Đến nay là năm thứ năm khai, chúng tôi thấy Đề án 343 rất có ý nghĩa, đã giúp cho phụ nữ các cấp, cũng như cán bộ Hội, hội viên phụ nữ nhận thấy được rèn luyện đạo đức phẩm chất Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay là cấp thiết và cần phải tích cực tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo. Mặc dù Đề án kết thúc năm 2015, nhưng tôi nghĩ rằng đối với các cấp Hội vẫn sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức triển khai rộng khắp hơn, để chị em thấy được trách nhiệm của mình cần phải tiếp tục rèn luyện, phát huy để đảm bảo yêu cầu trong tiến trình đổi mới hiện nay”.
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên phụ nữ có lòng yêu nước, có sức khoẻ, có tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” là mục tiêu mà các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh hướng đến nhằm phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Quang Mẫn – Duy Phong