(kontumtv.vn) – Ngày 22/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII họp phiên toàn thể tại hội trường. Quốc hội đã nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Trong hai buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến xây dựng luật. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung về:  Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kinh phí hoạt động của Quốc hội, về đại biểu Quốc hội, địa vị pháp lý của Đoàn Đại biểu Quốc hội; vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội và một số vấn đề liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, trưng cầu dân ý…

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, đã tham gia 5 ý kiến vào Dự án luật này. Về lấy phiếu tín nhiệm tại Điều 12, Khoản 3 Dự án Luật quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm, mà có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đại biểu Tô Văn Tám, trường hợp này nên quy định thêm việc cho phép người này được quyền từ chức trước khi Ủy Ban Thường vụ báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Từ quy định của luật hiện hành về Đoàn Đại biểu Quốc hội, đó là “Các đại biểu Quốc hội được bầu một địa phương tập hợp thành Đoàn Đại biểu Quốc hội”. Dự thảo lần này quy định ở Khoản 1, Điều 43 “Đoàn Đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đây là một bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về vị trí của Đoàn Đại biểu Quốc hội vốn lỏng lẻo và không rõ ràng, đến thừa nhận là một tổ chức, như thế vị trí của Đoàn Đại biểu Quốc hội được rõ ràng hơn. Đã thừa nhận là một tổ chức thì nên trao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội chức năng giám sát. Trên thực tế, lâu nay các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã và đang thực hiện việc giám sát có hiệu quả. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3 ghi nhận hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đảm bảo bởi các hoạt động, trong đó có hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, việc bổ sung chức năng giám sát cho Đoàn Đại biểu Quốc hội là cần thiết, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung.

Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với việc thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội, vì đáp ứng yêu cầu hoạt động của Quốc hội, của lãnh đạo Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chức danh Tổng thư ký gắn liền với thiết chế Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký đồng thời là Chánh Văn phòng Quốc hội, giúp việc cho Chánh Văn phòng Quốc hội có Phó Văn phòng Quốc hội, giúp việc cho Tổng thư ký có Ban thư ký. Ban thư ký là một tập thể, do vậy không thể thay mặt Tổng thư ký trong trường hợp Tổng thư ký vắng mặt hoặc vì lý do sức khỏe mà vắng mặt lâu dài. Bởi vậy, đề nghị xem xét, quy định có Phó Tổng thư ký trong số Ban thư ký giúp việc cho Tổng thư ký. Đồng thời, cần xem xét lại quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính. Bởi nếu là cơ quan hành chính thì có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không có văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Quốc hội. Nếu vậy thì Văn phòng Quốc hội nên quy định là cơ quan tham mưu, tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, và đại biểu Quốc hội…

CTV Hồ Nam

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *