(kontumtv.vn) – Hàng năm, có khoảng 70% chiến sĩ mới nhập ngũ vào các đơn vị bộ đội là người dân tộc thiểu số, mang theo phong tục, tập quán, thói quen khác nhau … Môi trường sinh hoạt, học tập, rèn luyện trong quân ngũ hoàn toàn mới mẽ, chiến sĩ mới gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Tuy vậy, tinh thần học tập, huấn luyện của các chiến sĩ rất hăng say, tạo khí thế sôi nổi, quyết tâm cao ở các đơn vị.
Gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sĩ mới nhập ngũ đợt I năm 2014 là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh, ai cũng bảo nhớ gia đình, nương rẫy. Những ngày đầu trong quân ngũ còn cảm thấy gò bó, đến bữa ăn phải xếp hàng, nhưng bây giờ đã quen rồi. Để chiến sĩ không bỡ ngỡ, sau khi đón nhận, đơn vị nhanh chóng sắp xếp ổn định tổ chức, biên chế chiên sĩ mới từ tổ 3 người trở lên. Cán bộ các cấp thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn những công việc bước đầu trong quân đội. Tổ chức Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện, bồi dưỡng về tư tưởng, văn hoá cho chiến sĩ mới. Ban Chấp hành Đoàn đã xây dựng chương trình hoạt động cho cả khoá huấn luyện tân binh, với nhiều nội dung phong phú, bổ ích, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, khích lệ chiến sĩ mới bước vào huấn luyện với quyết tâm cao. Đại úy A Văn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh cho biêt: Trước hết phải xây dựng được tình cảm, niềm tin của chiến sĩ mới với đơn vị, với môi trường quân đội ngay từ ngày mới nhập ngũ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ với chất lượng của khoá huấn luyện chiến sĩ mới mà cả quá trình hình thành nhân cách của người quân nhân cách mạng. Vì vậy, xây dựng tình cảm, niềm tin cho chiến sĩ mới ở đơn vị được triển khai, thực hiện đồng bộ, trên tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm cao. Ngoài kinh phí của trên, đơn vị còn huy động hàng trăm ngày công và kinh phí tự có để tu sữa nơi ăn, chốn ở khang trang sạch đẹp, mua sắm thêm nhiều dụng cụ, tạo thuận lợi cho sinh hoạt học tập, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của chiến sĩ mới.
Sinh hoạt của chiến sỹ mới
Binh nhì A Văn Hậu (Đại đội 4, Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 990) chia sẻ: Khi mới bước vào quân đội, cái khó nhất là thực hiện 11 chế độ trong ngày, vì thời gian để thực hiện các chế độ đó rất ngắn. Như gấp chăn màn chẳng hạn, đơn vị quy định gấp cho vuông, rất khó. Sau một tháng huấn luyện thì những việc đó đã trở nên dễ dàng. Trong sinh hoạt tôi yêu thích nhất là hát, được hát những bài quy định trong quân đội, chiến sỹ cùng nhau hát rất vui vẻ, để bớt đi nỗi nhớ nhà, tạo thêm tinh thần phấn khởi để huấn luyện những ngày tiếp theo.
Không những thế, nhiều chiến sĩ trước khi nhập ngũ đã có vợ, con. Như chiến sĩ A Hung, 22 tuổi ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, nhà có 3 anh em, mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, A Hung là người anh trai cả, vừa làm nuôi gia đình riêng của mình vừa nuôi hai đứa em còn nhỏ đang đi học. A Hung cưới vợ cách đây đã được mấy năm, có một con gái 3 tuổi. Thương vợ ở nhà một mình vừa nuôi con, lo cho cuộc sống gia đình, nên trước khi lên đường nhập ngũ A Hung đã cố gắng dành hết thời gian làm những công việc nặng nhọc và đã kịp sửa lại nhà để vợ con yên tâm ở nhà trong mùa mưu bão. Anh tâm sự: Khi bước chân vào đây, mặc dù ở nhà hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình huấn luyện tại đây, tôi cũng được cán bộ các cấp thường xuyên thăm hỏi, động viên.
Còn A Sao, dân tộc Sê đăng, quê ở xã ĐăK Tăng, huyện Kon PLong, cưới vợ mới được hơn một năm. Trước một ngày lên đường nhập ngũ, A Sao đưa vợ lên Trung tâm Y tế huyện Kon Plông để sinh. Vợ vượt cạn mà không có ở nhà để giúp đỡ, nhưng cũng như các đồng đội khác trong đơn vị anh quyết tâm cố gắng học tập, phấn đấu rèn luyện trở thành một người chiến sĩ tốt, mong sau khoá huấn luyện tân binh được các thủ trưởng cấp trên tạo điều kiện về phép thăm vợ con cùng gia đình.
Tuy thời gian trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ chưa dài nhưng những chàng trai của núi rừng Kon Tum đều có chung một nhận xét: Quân đội là trường học lớn đang rèn luyện, giáo dục họ sống có lý tưởng cao đẹp, góp phần bảo vệ Tổ quốc mà bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu xây dựng nên.
CTV Trung Kiên – Ngọc Lưu