(kontumtv.vn) –  Thực hiện “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/10/2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy việc triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên- nhiên- vật liệu, hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, hướng đến xây dựng ngành công nghiệp xanh trên địa bàn.

hd

Xử lý chất thải là một trong những yếu tố góp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Sản xuất sạch hơn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ rất sớm. Tại Việt Nam, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được triển khai áp dụng thành công hơn 10 năm qua tại một số tỉnh thành và từ năm 2009 đã trở thành chiến lược quốc gia triển khai sâu rộng trên toàn quốc. Mục tiêu của sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là tránh ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng tài nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, tạo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế- môi trường và xã hội, đảm bảo ngành công nghiệp phát triển bền vững.

Tại Kon Tum, việc thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được ngành Công Thương thực hiện từ những năm 2010- 2011, nhưng chủ yếu dừng lại ở công tác tập huấn, tuyên truyền và cũng bị gián đoạn một thời gian khi các dự án tài trợ kết thúc. Tuy nhiên, qua đó cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến trong công tác đầu tư, cải tiến thiết bị, cải thiện điều kiện môi trường, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Nhờ quan tâm đầu tư thay thế cải tiến một số thiết bị đã cũ, lạc hậu bằng những thiết bị hiện đại và tận dụng các chất xả thải trong quá trình sản xuất, những năm gần đây, Công ty cổ phần Đường Kon Tum không chỉ nâng cao tỷ suất thu hồi đường từ mía mà hàng năm còn tiết kiệm được vài chục tỷ đồng từ việc tận dụng bả mía để phát điện phục vụ cho sản xuất và thu thêm từ 5- 6 tỷ đồng từ việc tận dụng chất thải bùn để làm phân bón. Ông Trịnh Minh Xuân – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Kon Tum cho biết: Đối với một doanh nghiệp sản xuất, thì cần phải có những chiến lược và giải pháp để hạ định mức tiêu hao nhiên, nguyên, vật liệu, giảm thải các chất thải ra môi trường gây độc hại cho cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, với tình hình suy thoái của kinh tế, thì doanh nghiệp một lần nữa phải xác định lại tính cạnh tranh của mình, bằng giá thành sản phẩm và chất lượng của sản phẩm. Với điều này, chúng tôi ý thức được rằng chỉ có sản xuất sạch hơn thì mới tiết kiệm được nguyên, nhiên, vật liệu, giảm thải những chất thải nguy hại ra môi trường bên ngoài và đồng thời, tăng cường chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường

 Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum, sau khi chuyển đổi chủ sở hữu, đã quan tâm đầu tư hệ thống hồ sinh khí Bioga và dây chuyền sấy bả khô để tận dụng chất xả thải làm khí đốt, tạo thêm sản phẩm phụ làm thức ăn cho gia súc, không những tạo thêm nguồn doanh thu đáng kể cho Công ty mà còn góp phần cải thiện điều kiện môi trường nơi đây.

Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp còn hoạt động theo mùa vụ, nên chưa quan tâm lắm đến việc thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn cũng như công tác bảo vệ môi trường.

 Theo Kế hoạch hành động của tỉnh về thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ phấn đấu có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến về sản xuất sạch hơn và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng tiến hành áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm được từ 8- 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp quy mô vừa có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Để thực hiện mục tiêu này, từ cuối năm 2013, Sở Công Thương – cơ quan đầu mối của tỉnh trong việc thực hiện chương trình này, đã lên kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời  triển khai nhiều hoạt động để thực hiện Kế hoạch của tỉnh.

 Ông Bùi Văn Cư – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết một số định hướng về công tác này trong thời gian tới: Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình hàng năm để làm tốt công tác tuyên truyền, giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ về sản xuất sạch hơn, từ đó  ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình khi hướng đến nền sản xuất sạch. Đồng thời chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách về sản xuất sạch, triển khai tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về công tác này cho các doanh nghiệp, cá nhân và cố gắng vận động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn khuyến công, để góp phần vào đẩy mạnh chương trình sản xuất sạch hơn trên địa bàn.

Sản xuất sạch hơn là chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp. Áp dụng sản xuất sạch hơn không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như người tiêu dùng, xây dựng ngành công nghiệp xanh và bền vững.

Quang Mẫn- Duy Phong

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *