(kontumtv.vn) – Theo đánh giá của các ngành chức năng, sau 3 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã tương đối ổn định, tình trạng người dân xâm lấn, phát rừng làm nương rẫy trái phép đã giảm rõ rệt. Kết quả này cho thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đi đúng hướng, tạo ra động lực thực sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia giữ rừng. Tuy nhiên, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cần nhanh hơn, kịp thời hơn để chủ rừng chủ động hơn trong việc bảo vệ rừng.

Những năm trước, huyện Đăk Glei luôn nhức nhối nạn phá rừng làm nương rẫy trái phép, song 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã được cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei, mùa khô năm 2013 – 2014, trên lâm phần Công ty quản lý xảy ra 17 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, diện tích bị xâm hại gần 5 ha, so với 110 vụ và 42 ha rừng bị tàn phá trong mùa khô năm ngoái thì đây quả là chuyển biến vô cùng lớn. Sự chuyển biến này có được là nhờ Công ty đã ký hợp đồng lao động thêm hàng chục người, cùng với lực lượng Công ty hiện có tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, điều mà những năm trước đó đơn vị không thể làm được vì thiếu kinh phí.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hiện đang quản lý, bảo vệ 38.000 ha rừng. Diện tích rừng lớn, trải rộng, lực lượng làm công tác bảo vệ rừng mỏng nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng, 2 năm trở lại đây, mọi thứ đã có sự thay đổi. Ông Đinh Quốc Thắng – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết: “ Năm 2013 so với 2012 có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là công tác nương rẫy. Năm 2013 không có vụ phá rừng làm nương rẫy nào xảy ra trên địa bàn. Để làm được vấn đề đó chúng tôi đã xây dựng 6 trạm kiểm lâm trên địa bàn, thường xuyên giao ban và họp với các xã, thị trấn rồi tuyên truyền thường xuyên, phối hợp với các xã có những đợt truy quét vào những lúc cao điểm, hợp đồng lao động thêm với nhân dân để quản lý, bảo vệ nên trong năm 2013 đã có chuyển biến tích cực. Còn năm 2014 từ mùa khô đến giờ chưa xảy ra vụ vi phạm nào”.

Tính đến nay, đã có 19 tổ chức, hơn 7.000 hộ gia đình được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn ha rừng đang được các tổ chức, hộ gia đình quản lý, bảo vệ hiệu quả và đem lại quyền lợi thiết thực cho người giữ rừng. Giờ đây, giữ rừng không còn là khẩu hiệu suông, bởi quyền lợi của người giữ rừng đã được đảm bảo. Ý thức của chủ rừng, người giữ rừng cũng đã thay đổi. Ông A Vinh (thôn Đông Lốc, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) nói: “Từ ngày bà con được giao rừng thì ý thức bảo vệ của bà con rất tốt, bảo vệ bảo đảm trong phần được quản lý, không phát nương rẫy trong vùng được quy hoạch, vùng cấm”.

 Ông Ngô Văn Hải – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đánh giá: “Có thể nói qua hơn 2 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực, mạnh mẽ đến công tác giữ rừng. Thứ nhất tác động đến vai trò, ý thức, trách nhiệm của người dân trực tiếp tham gia giữ rừng, đặc biệt đó là những hộ, những cá nhân được Nhà nước giao đất giao rừng theo Quyết định 178, 304 và Nghị quyết 30a, đặc biệt trong thời gian gần đây là phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh. Thứ hai, các chủ rừng và các tổ chức Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đặc dụng  đã chủ động, tích cực tổ chức các đợt bảo vệ rừng thông qua các hình thức khoán, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Bên cạnh đó, một số đơn vị chủ rừng đã có sáng tạo trong việc thiết lập các chốt, trạm cửa rừng để tiến hành kiểm soát người và phương tiện ra vào cửa rừng.Thứ ba là việc tác động mạnh mẽ đến cấp chính quyền xã trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng”

Tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thấy rõ, tuy nhiên, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn chậm. Đến nay đã gần 6 tháng của năm 2014 nhưng các đơn vị giữ rừng và người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2013. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của chủ rừng.

Ông Ngô Văn Hải – Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng có chậm. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, Quỹ cũng đã linh động chi trả dứt điểm tiền năm 2011, 2012, còn năm 2013 Quỹ sẽ chi trả ngay khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là cách tiếp cận mới trong việc bảo vệ rừng. Và rõ ràng, với cách tiếp cận mới này, cả người giữ rừng, chủ rừng đều có trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo vệ rừng. Giữ rừng chưa thể giúp người dân làm giàu nhưng chí ít, nó cũng đã phần nào đảm bảo được cuộc sống cho bà con.

 Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *