Tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh vừa tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện nghị định số 41 của Chính phủ  về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.  Đồng chí Nguyễn Văn Hùng-  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

3n

Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định về chính sách tín dụng.

Từ năm 2010 đến cuối tháng 9 năm 2013, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng tại địa bàn đạt 7.239 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 4.600 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9 năm 2013, tổng dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 3.336 tỷ đồng, với gần 91.500 khách hàng còn dư nợ, chiếm 32,5% tổng dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế, tăng 170% so với cuối năm 2010. Trong đó, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum dư nợ cho vay chiếm gần 60%, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum dư nợ chiếm 36% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân cho vay nông nghiệp, nông thôn  giai đoạn 2010-2013 là 45,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn tỉnh … Đầu tư tín dụng nông thôn từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu  kinh tế nông thôn, tiêu thụ hàng hóa nông sản và phục vụ tiêu dùng cho nông dân. Đáng chú ý, đã có 564 tỷ đồng cho vay trồng và chăm sóc hơn 13.000 ha cao su, cho vay 350 tỷ đồng chăm sóc cây cà phê …Song song với gia tăng và  phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát ở mức cho phép âm 1,4% tổng dư nợ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng khẳng định vai trò, tác động tích cực của việc thực hiện Nghị định số 41 của Chính phủ đối với lĩnh vực  nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Nghị định số 41  được ban hành là cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống. Bên cạnh những kết quả nổi bật, qua 3 năm thực hiện Nghị định 41, khó khăn lớn nhất đối với việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là nguồn vốn còn hạn hẹp, khả năng huy động vốn chỉ cân đối được 51% dư nợ cho vay. Kinh tế của tỉnh phát triển không đồng đều giữa các vùng nên mức độ đầu tư tín dụng vào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó, đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế hợp tác xã  hoạt động chưa hiệu quả. Để phát huy hơn nữa hiệu quả đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng cần có giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, hạn chế, tập trung đầu tư tín dụng vào các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Kon Tum  cũng đề  xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bổ sung, sửa đổi một số quy định về đối tượng, điều kiện vay, ưu tiên bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

                                        Nghĩa Hà- Tấn Thành/kontumtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *