Nợ đọng thuế đang là vấn đề đặt ra đối với các đơn vị, địa phương, làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2013. Bằng các giải pháp tổng lực, ngành thuế tỉnh tập trung giải quyết tồn đọng này.
Huyện Ngọc Hồi là một trong số ít địa phương của tỉnh Kon Tum đạt kết quả khá trong thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 tại địa bàn. Nhờ tăng thu chủ yếu từ khoản phí bãi gỗ, 10 tháng đầu năm nay, chi cục thuế huyện đã thu ngân sách nhà nước tại địa bàn được 57 tỷ đồng, vượt 2% dự toán thu cả năm 2013. Tuy vậy, chi cục vẫn còn khoản nợ đọng thuế khoảng 11 tỷ đồng của doanh nghiệp từ năm 2012 chuyển sang hiện vẫn chưa có khả năng thu. Ông Mai Xuân Phúc – Chi cục trưởng chi cục thuế huyện Ngọc Hồi cho biết: Nợ đọng đến 10 tháng thì bằng với đầu năm 2013. Chi cục cũng đã áp dụng nhiều biện pháp và trước hết cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn để có nguồn thu nợ vào ngân sách nhà nước.
Hướng dẫn các đối tượng nộp thuế.
Nợ đọng thuế đã và đang là tình trạng phổ biến tại các đơn vị trực thuộc ngành thuế tỉnh. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng số tiền thuế nợ đọng tại địa bàn tỉnh là 324 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số nợ đọng thuế là nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với hơn 267 tỷ đồng – chiếm 82% tổng tiền thuế nợ đọng và tăng hơn 62 tỷ đồng so với nợ thuế cuối năm 2012. Bên cạnh đó, nợ tiền thuê đất hơn 17 tỷ đồng, nợ thuế của các doanh nghiệp nhà nước Trung ương gần 9 tỷ đồng, nợ thuế của các doanh nghiệp nhà nước địa phương 6 tỷ đồng … Theo ông Lữ Quốc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh, ngoài nguyên nhân một số doanh nghiệp không nghiêm túc tuân thủ chế độ nộp ngân sách nhà nước, có biểu hiện chây ì, dây dưa nộp thuế, nguyên nhân cơ bản của tình trạng nợ đọng thuế kéo dài vẫn là khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và căng thẳng về tài chính của các doanh nghiệp: Ông Lữu Quốc Tuấn cho biết thêm: Nhu cầu để thu mua nguyên vật liệu, vật tư đầu vào để duy trì sản xuất thì cũng cần một lượng vốn, cho nên có một số doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận tiền nộp chậm để người ta duy trì nguyên liệu vật tư đầu vào. Bên cạnh đó, một số tổ chức cá nhân không còn khả năng tài chính, không thể duy trì sản xuất, nhưng họ lại không làm các thủ tục giải thể phá sản cho nên không có căn cứ cho cơ quan thuế để giải quyết các khoản nợ này.
Quán triệt triển khai chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách của tỉnh Kon Tum, trong 2 tháng còn lại của năm 2013, tuy thời gian không nhiều, song ngành thuế đã xác định phải tập trung chỉ đạo, giải quyết rốt ráo nợ đọng tiền thuế. Có như vậy, mới góp phần thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 được giao. Một số giải pháp trọng tâm cần tăng cường thực hiện được ông Lữ Quốc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Kon Tum khẳng định: Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với các trường hợp đơn vị chây ì và phối hợp, củng cố hồ sơ để chuyển sang cơ quan công an và cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Đối với các doanh nghiệp có khó khăn về tài chính thì chúng tôi áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định, đồng thời làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng tình hình tài chính của đơn vị, cùng với đơn vị để xác định lộ trình nộp tiền nợ này với phương châm làm sao phải đảm bảo thu 100% số thuế mới phát sinh và nộp dần số nợ thuế trong thời gian tới.
Song song với tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn, gia hạn nợ thuế theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, ngành thuế tỉnh cũng sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ ngân sách./.
Nghĩa Hà – Ngọc Chí/kontumtv.vn